Sự kiện tàu Sliver Queen được Vinfast thuê chở 999 chiếc VF8 do Việt Nam sản xuất đi thẳng tới California của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên, ô tô Việt Nam nói chung cũng như xe điện nói riêng "đánh thẳng" vào thị trường ô tô của xứ sở cờ Hoa đầy hứa hẹn.
Chuyến hàng khiến nhiều người lại nhớ về những con tàu xuất khẩu đầy tham vọng năm xưa của các hãng ô tô tới từ Nhật Bản hay Hàn Quốc vào Mỹ, là tiền đề cho sự phát triển của Toyota, Hyundai, KIA như hiện nay.
Dẫu vậy, không ít các khó khăn lớn trước mắt mà Vinfast sẽ phải đối mặt ngay khi thâm nhập vào thị trường đặc biệt khó tính này.
Những chiếc xe điện Vinfast di chuyển vào khoang tàu Sliver Queen để chuẩn bị cho chuyến hải trình vượt đại dương tới thị trường Bắc Mỹ. Nguồn ảnh: Vinfast
Cơ hội từ xu hướng sử dụng xe điện tăng cao ở Bắc Mỹ
Một tín hiệu cực kỳ khả quan có thể nói đến, đó chính là việc người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sự quan tâm sang các loại xe ô tô sử dụng nguồn năng lượng xanh.
Một phần vì những phương tiện di chuyển này chính là xu thế của tương lai, khi con người muốn giảm thiểu tối đa sử dụng năng lượng hóa thạch không thể tái tạo, giúp bảo vệ môi trường, thay thế bằng nguồn năng lượng dễ dàng sản xuất, sử dụng, hay có thể đơn giản hơn chỉ là tiết kiệm chi phí sửa chữa, nhiên liệu.
Theo số liệu phân tích từ JATO Dnamics cho biết, trong vòng 10 tháng đầu năm 2022, cứ 20 chiếc ô tô mới lăn bánh tại Mỹ, sẽ có 1 chiếc chạy hoàn toàn bằng năng lượng điện.
Dù vẫn còn chưa chiếm thị phần lớn áp đảo, song với những chỉ số tăng trưởng đáng kinh ngạc trên, sẽ mở ra một tương lai đặc biệt hứa hẹn đối với xe điện, trong đó bao gồm cả các đại diện tới từ Việt Nam.
Liệu "miếng bánh" thị phần xe điện Mỹ có dễ xơi?
Bên cạnh những dấu hiệu rất tích cực về một thị trường xe hơi chạy điện rất béo bở tại Mỹ, thì việc Vinfast muốn tiến sâu vào chắc chắn sẽ phải đối đầu với những "ông lớn" sản xuất ô tô quá nổi tiếng và tồn tại lâu đời.
Hàng dài ô tô Vinfast chạy điện xếp hàng chờ xuất sang thị trường “khó tính” Mỹ. Ảnh: Đình Quý
Mỹ chính là sân nhà mà hãng xe điện nổi tiếng Tesla của tỷ phú Elon Musk, đang có doanh số ô tô điện đứng đầu thị trường. Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 140.000 xe thuộc 2 dòng là Model 3 và Model Y đến tay người Mỹ.
Một ông lớn khác là Ford cũng đang tích cực tham gia đường đua xe hơi chạy điện với đại diện là F-150 Lightning đang rất hút khách. Ngoài ra, Mustang Mach-E, xe thể thao chạy điện đầu tiên của Ford hiện đang "gây sốt" với 28.000 chiếc lăn bánh trong 3 quý đầu của năm 2022, theo thống kê từ Ward Intelligence.
Ford Mustang Mach-E, xe thể thao chạy điện 100% đầu tiên của Ford, ra mắt năm 2019. Nguồn ảnh: Ford
Chỉ riêng 2 "ông lớn" nêu trên đã chiếm các thị phần không nhỏ trong phân khúc ô tô chạy điện ở Mỹ. Muốn cạnh tranh, Vinfast cần phải đặc biệt chú trọng tới khâu marketing, quảng bá sản phẩm hơn nữa. Bởi lẽ, hiện nay, phân khúc xe điện đang chủ yếu đánh vào các khách hàng có nguồn thu nhập cao, trong khi đó, ở phân khúc xe điện bình dân, dường như người tiêu dùng vẫn còn khá dè dặt.
Nếu có một chiến lược quảng bá sản phẩm tốt, một định hướng phát triển hợp lý và tuân theo những kế hoạch rõ ràng, Vinfast có thể “làm nên chuyện” ở chuyến xuất ngoại lần này.
Khó khăn đến từ chính sách của Mỹ
Bên cạnh các lợi thế về sân nhà, các hãng xe hơi điện tại Mỹ còn có một điểm mạnh cực lớn chính là sự hỗ trợ tối đa tới từ chính quyền Washington thông qua các chính sách dè dặt với xe điện nhập khẩu và ưu tiên xe tới từ khu vực Bắc Mỹ.
Chính bởi khó khăn trên mà ô tô điện Trung Quốc chưa đạt được bước tiến nào rõ rệt dù ở thị trường đại lục đã phát triển rất mạnh. Đây cũng là một bài học mà Vinfast cần phải đặc biệt nghiên cứu kỹ trước nếu muốn thành công tại thị trường khó nhằn này.
Tất nhiên, khó khăn của xe Trung Quốc còn đến từ các xung đột sâu sắc về kinh tế giữa hai cường quốc, song, đây cũng là một cơ hội để Vinfast hiểu rõ cuộc chơi, nhờ đó tạo ra những sự khác biệt lớn và không đi vào lối mòn cũ.