VietABank được thành lập năm 2003 từ sự hợp nhất giữa Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Đà Nẵng. Đến nay, trải qua 22 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển và dần khẳng định vị thế.
Cụ thể, nếu tính đến cuối năm 2022, VietABank có vốn điều lệ 5.400 tỷ đồng và đến hết Quý I năm 2025 con số này vẫn “dẫm chân tại chỗ” trong khi mục tiêu năm 2025 là nâng vốn điều lệ lên hơn 11.500 tỷ đồng, tăng khoảng gần 115%. Đồng thời, đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt 128,381 tỷ đồng tổng tài sản, tăng hơn 7% so với đầu năm, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 101,007 tỷ đồng, tăng hơn 9%; dư nợ tín dụng đạt 88,110 tỷ đồng, tăng hơn 10%.

Trong khi đó, câu chuyện sở hữu tại VietAbank và các tổ chức, cá nhân có liên quan là một điểm đáng chú ý, bởi trong số các cổ đông lớn của ngân hàng hiện nay là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương hiện đang nắm giữ 12,21% cổ phần, đồng thời, cựu Chủ tịch Phương Hữu Việt hiện đang là Chủ tịch của Tập đoàn Đầu tư Việt Phương cũng đang sở hữu hơn 24 triệu cổ phần, tương đương 4,55% vốn điều lệ, trong khi nhóm cổ đông có liên quan sở hữu gần 41,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,63%.
Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietABank, ông Phương Thành Long, không nắm giữ cổ phần nào nhưng có quan hệ gia đình với ông Phương Hữu Việt, cho thấy khả năng tồn tại mối quan hệ tài chính đan xen thông qua người thân và các công ty liên quan.
Ở một diễn biến khác, theo như tìm hiểu được biết Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sở hữu một hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, khoáng sản, dược phẩm y tế... Một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Việt Phương từng có các giao dịch tài chính với VietABank, bao gồm việc thế chấp tài sản để đảm bảo cho các khoản vay hiện đang hoạt động. Ví thể như: Công ty Cổ phần Sơn Trà, một thành viên của Việt Phương Group, đã từng thế chấp nhiều tài sản liên quan đến dự án Sơn Trà Resort & Spa tại VietABank để đảm bảo cho các khoản vay và nghĩa vụ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Tiếp sau Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi hiện đang sở hữu hơn 6,4 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 1,2% VietABank. Đáng nói là ông Phan Văn Tới, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị VietABank đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi.
Về phía Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi có các cổ đông lớn như: Công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nắm giữ hơn 4,5 triệu cổ phần, Công ty cổ phần bảo hiểm Hùng Vương hơn 1,6 triệu cổ phần, Công ty TNHH xây dựng thương mại Thuận Việt hơn 1 triệu cổ phần và Công ty Xăng dầu khu vực II chiếm 900 nghìn cổ phần (số liệu tại tháng 4/2020). Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi có mối liên doanh, liên kết với 2 công ty là Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn và Công ty Xây dựng phát triển Tây Bắc.
Trong nhóm cổ đông tổ chức nắm giữ trên 1% vốn của VietABank còn có cổ đông là Văn phòng Thành uỷ TP.HCM, nắm giữ gần 27 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,97% vốn ngân hàng và một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) sở hữu gần 15 triệu cổ phần, chiếm 2,77% vốn VietABank.
Đối với các cổ đông cá nhân có bà Lê Thị Lan nắm giữ 7,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 1,32% vốn Việt Á, người có liên quan cổ đông nắm giữ 24,5 triệu cổ phiếu ngân hàng, tỷ lệ 4,55%. Mặc dù đến ngày 31/11/2024 bà Lan không còn nắm giữ hơn 7,1 triệu cổ phiếu trên nữa nhưng người có liên quan đến bà lại nắm giữ gần 91 triệu cổ phiếu ngân hàng, chiếm tỷ lệ 16,75% tăng gần 13% so với trước đây.
Một cá nhân khác là cổ đông Đỗ Thị Ngọc Hà, người có liên quan cổ đông Hà nắm hơn 72,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,47% vốn ngân hàng, riêng bà Hà sở hữu 1,02% vốn với hơn 5,4 triệu cổ phiếu. Đến 31/11/2024, bà Hà giảm sở hữu xuống còn hơn 675 nghìn cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 0,125%, người có liên quan cổ đông Hà vẫn giữ hơn 72,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,47% vốn ngân hàng như trước đó.
Trong khi đó, trường hợp của ông Trần Tiến Dũng, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc VietABank nắm giữ gần 5,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,02% vốn điều lệ, những không ghi nhận cổ đông nắm giữ cổ phiếu có liên quan đối với ông Dũng.
Theo báo cáo tài chính được VietAbank công bố mới đây cho thấy, vấn đề nợ xấu và cơ cấu nợ là yếu tố đáng lo ngại của nhà băng này. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu của VietABank đạt 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm gần 50% tổng nợ xấu, tương đương 823 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,6% lên 2,3%, buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng hơn 902 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, về chất lượng nợ cho vay, nợ cần chú ý của ngân hàng giảm hơn 40% xuống chỉ còn gần 379 tỷ đồng cuối kỳ; Nợ nhóm 4 tăng mạnh lên 513 tỷ đồng từ mức chỉ gần 22 tỷ đồng hồi đầu năm; Nợ nhóm 5 tăng khoảng 3% lên 519 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ nhóm 3 giảm mạnh xuống chỉ còn 14 tỷ đồng từ mức 574 tỷ đồng đầu kỳ. Theo đó, tổng nợ xấu đến ngày 31/12/2024 giảm 5% so với đầu năm, còn gần 1.050 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo đó cũng giảm từ mức 1,59% đầu năm xuống còn 1,31%.
Bên cạnh đó là sự suy giảm thu nhập ngoài lãi, mà cụ thể là trong quý I/2025, tổng thu nhập ngoài lãi của VietABank chỉ đạt 53,2 tỷ đồng, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 59% còn 4 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 81%, còn 12 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lãi 17,4 tỷ đồng cùng kỳ sang lỗ 2,7 tỷ đồng.
Trong khi đó các chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, trong quý I/2025 giảm 47,5% so với cùng kỳ, xuống còn 87,5 tỷ đồng. Việc giảm mạnh chi phí dự phòng có thể giúp tăng lợi nhuận ngắn hạn nhưng cũng đặt ra câu hỏi về khả năng phản ánh đầy đủ rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
Như vậy, kể từ khi Luật tổ chức tín dụng 2024 ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 đã có những điều chỉnh tích cực đến thị trường tài chính và tăng cường siết chặt các quy định liên quan đến sở hữu và thao túng ngân hàng trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay. Theo đó, phía VietAbank cũng có những thay đổi để bắt nhịp, tuy nhiên giữa “mạng lưới” những mối quan hệ “chằng chịt” của nhà băng này với các doanh nghiệp liên quan vẫn là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Khi mới đây Ngân hàng này đã phát đi thông tin sẽ tiến hành đại hội cổ đông thường niên 2025 vào ngày 26/4/2025 (thứ 7 tuần này) để thông qua những nội dung quan trọng đến sự phát triển của ngân hàng cũng như là cơ sở để thực hiện những mục tiêu đề ra trong năm 2025, đáng chú ý trong đó là việc tăng vốn và mục tiêu lợi nhuận, việc phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và cả vấn đề thù lao cho lãnh đạo “chóp bu” tại ngân hàng này./.