Dòng chảy thông tin

Việt Nam và mục tiêu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030

P.V 28/09/2023 06:39

Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Vẫn còn người chết do bệnh dại

Việt Nam, với vai trò là quốc gia dẫn đầu trong công tác phòng, chống bệnh dại trong khu vực ASEAN, đã đạt kết quả nhất định, số tử vong do bệnh dại giảm xuống dưới 100 người/năm từ năm 2010 trở lại đây. Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hằng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn.

benh-dai-va-cach-ph.max-1800x1800.jpg
Ảnh minh họa

Năm 2023, bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Từ đầu năm 2023 đến hết ngày 30/08/2023, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 25/63 tỉnh thành, tăng 15 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (40 ca). Trong đó số ca mắc phân bổ chủ yếu tại miền Bắc (40%), Tây Nguyên (23,63%), miền Nam (23,63%) và miền Trung (12,72%).

Theo Bộ Y tế, bệnh dại xuất hiện từ lâu và có vắc xin hiệu quả nhưng bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, ngoại trừ tử vong do bệnh sởi năm 2014 và tử vong do Covid-19 thời gian qua.

Các nghiên cứu gần đây kết luận rằng đa số những người nhiễm vi rút dại là do thiếu hiểu biết, bất cẩn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu kém hoặc không sẵn có. Tỷ lệ mắc bệnh dại cao ở trẻ em sinh sống tại các khu vực kém phát triển. Những nguyên nhân khác bao gồm sự phối hợp yếu kém giữa các ngành, các chiến lược phòng, chống không hiệu quả, khả năng tiếp cận vắc xin phòng bệnh hạn chế, nhận thức và hợp tác của cộng đồng kém, quan niệm sai lầm về bệnh dại...

2022_04_25_07_41_181_72da6.jpg
Ảnh tuyên truyền của các tổ chức quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam về bệnh dại

Quyết liệt phòng, chống bệnh dại

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 đặt mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật: quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 – 2025, trên 90% trong giai đoạn 2026 – 2030; tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030… Đối với phòng, chống bệnh dại ở người: đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030…

do-hoa-benh-dai-cuoi.png

Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Thủ tướng nêu rõ, người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

UBND các tỉnh xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương, ưu tiên mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm. Các địa phương hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, ...UBND các tỉnh tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh...

Hiện Văn phòng tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và cùng nhau nỗ lực để chấm dứt tình trạng người tử vong do bệnh dại tại Việt Nam, hướng tới được mục tiêu "Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030."

Các tổ chức quốc tế khuyến khích chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương của Việt Nam ưu tiên và tăng cường nguồn lực cho việc quản lý đàn chó, tiêm phòng cho chó và cung cấp các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm cho những người bị chó cắn.

Dù được xem là một căn bệnh truyền nhiễm và gây tử vong cho người nhưng bệnh dại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9 được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết, vận động và đoàn kết tất cả cá nhân, tổ chức và các bên liên quan cùng chung tay chống lại bệnh dại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt Nam và mục tiêu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO