Đại diện các nước thành viên chúc mừng Việt Nam trúng cử. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp nhận xét: Đây là lần thứ 2 chúng ta đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.
Đại diện các nước thành viên chúc mừng Việt Nam trúng cử. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu. Kết quả này ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quá trình vận động bài bản, đồng bộ, rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, Paris (Pháp), và thủ đô các nước thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh: Với việc lần đầu tiên tham gia cùng lúc 05 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững.
Việt Nam đã trúng cử với tỷ lệ 121/171 phiếu, đứng thứ nhất nhóm Châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước được bầu ở 5 khu vực. |
Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam như Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay đã khẳng định: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế, văn hóa và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững.”
PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên tham dự Kỳ họp, đại diện nhóm chuyên gia của Việt Nam cho biết, kể từ khi tham gia Công ước Di sản Thế giới vào năm 1987 đến nay, Việt Nam đã luôn thực hiện nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế-xã hội.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Minh Duy) |
Việt Nam đã chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới như Hội nghị Chuyên gia về Chính sách của UNESCO về Di sản Thế giới và Phát triển Bền vững (2015), Hội nghị Quốc tế về Bảo tồn và Phát triển Di sản Đô thị (2017), Hội thảo quốc tế “Di sản Thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” (2018), Kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới (2022), Hội nghị quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam (2023)… Và Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong thời gian tới.
Với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát việc thực thi Công ước; bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1199 di sản thế giới trên toàn cầu; xem xét các tiêu chí để ghi danh các di sản thế giới mới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững của thế giới.
Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo (phải) chúc mừng Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Đoàn Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy) |
Có được kết quả bầu cử trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng các cơ quan, các chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng cho ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Đại hội đồng lần thứ 24 Công ước Di sản Thế giới diễn ra trong 2 ngày từ 22-23/11. Trong phiên họp ngày đầu tiên, Đoàn Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia, đóng góp vào các nội dung của Kỳ họp.
Trong tiếp xúc đối ngoại, các quốc gia thành viên đều đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hiện có, đồng thời đang xây dựng các hồ sơ mới, qua đó góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.
Bà Paula Alves de Souza, Chủ tịch Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 Công ước Di sản thế giới Paula Alves de Souza, chúc mừng Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Đại sứ Lê Thị Hồng Vân sau khi công bố kết quả bỏ phiếu. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản thế giới trên phương diện lý luận, luật pháp, quản lý và thực tiễn được đánh giá là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc thực thi Công ước một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên cho nhân loại, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của các quốc gia.
Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.
Đây cũng là Công ước có số lượng thành viên lớn nhất của UNESCO với 194 quốc gia. Với tính chất như vậy, cuộc bầu cử để trở thành một trong 21 nước thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới luôn khó khăn và có tính cạnh tranh rất cao.
Năm 1987, Việt Nam chính thức tham gia Công ước Di sản Thế giới UNESCO 1972.
Năm 2013, được sự tín nhiệm của các nước thành viên, Việt Nam lần đầu tiên tham gia với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm của UNESCO, các cơ quan chuyên môn của UNESCO và các quốc gia thành viên; hình thành một đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý di sản văn hoá có đủ năng lực và kinh nghiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới của Việt Nam và quản lý tốt mô hình vừa bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong vai trò là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027, Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.