Việt Nam tiến bộ trong phổ cập giáo dục và xoá mù chữ
Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Xây dựng xã hội học tập
Ngay từ ngày đầu thành lập nước, xác định rằng “một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu,” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xóa mù chữ. Người coi mù chữ là một quốc nạn và “dốt” cũng là một loại giặc nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Chính vì vậy, tháng 9/1945, Nha bình dân học vụ được thành lập, từ đó phong trào “Diệt giặc dốt” được dấy lên trong toàn xã hội.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người nô nức đi học, hàng vạn người biết chữ tham gia dạy người chưa biết chữ tại các lớp bình dân học vụ. Sau một năm phát động, đã có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Đây là một kỳ tích về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Theo số liệu tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục,” “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.” 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300.000 người trong độ tuổi 15-60.
63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 3 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất – mức độ 3…
Năm học 2022 - 2023, Việt Nam đã huy động được hơn 32.000 người học các lớp xóa mù chữ, tăng hơn 12.000 người so với năm học trước, góp phần duy trì bền vững thành quả công tác xóa mù chữ tại Việt Nam.
Theo Hội khuyến học Việt Nam, kết quả lớn nhất khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng thú vị này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc và các quốc gia công nhận.
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ
Trong bài phỏng vấn nhân Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ do TTXVN thực hiện vừa qua, ông Michael Croft, Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đánh giá, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong mọi lĩnh vực từ phổ cập giáo dục đến xóa mù chữ và học tập suốt đời, mặc dù vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa các nhóm khác nhau về mặt dân tộc, khuyết tật và mức sống.
Về phổ cập giáo dục, Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, sau đó là phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Gần đây nhất là đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Những thành tựu này bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản và bắt buộc, đặt nền tảng cho quá trình hiện đại hóa kinh tế và phát triển toàn diện, bền vững.
Cùng với đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về xóa nạn mù chữ. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết cao ở mức 95,8%. Khoảng cách về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ đã thu hẹp trong 20 năm qua, đạt 2,4 điểm % vào năm 2019 (giảm từ 7,0 điểm % vào năm 1999).
Điều đáng lưu ý là ngoài việc thúc đẩy phổ cập giáo dục cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến nhằm tiếp cận những người mù chữ và bán mù chữ, chẳng hạn như mở thêm các lớp xóa mù chữ cho người lớn ở vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Các cơ chế đã được thiết lập để chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi và đánh giá các tiêu chuẩn xóa mù chữ trong cộng đồng dân cư, khuyến khích hàng ngàn người trưởng thành tham gia các lớp học xóa mù chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, UNESCO nhận thấy những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua là đáng khích lệ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 đã ra Nghị quyết xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập. Tiếp theo đó là 3 đề án quốc gia về “Xây dựng xã hội học tập” (2005 - 2010; 2012 - 2020, 2021 - 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một vài ví dụ về cam kết chính trị trong việc biến đất nước Việt Nam thành một xã hội học tập.
Việt Nam cũng đã điều chỉnh khái niệm học tập suốt đời lấy cảm hứng từ khuôn khổ, kinh nghiệm quốc tế và đang tích cực thúc đẩy, bao gồm cả thông qua mạng lưới thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO, nhằm hỗ trợ và cải thiện thực tiễn học tập suốt đời ở các thành phố trên toàn thế giới.
Theo ông Michael Croft, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 4 về giáo dục trong bối cảnh học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Điều này bao gồm tư vấn thêm về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho những nỗ lực của đất nước Việt Nam, nhằm xây dựng các chính sách và hệ thống học tập suốt đời hiệu quả, toàn diện, đồng thời thúc đẩy các thành phố học tập và xã hội học tập, bao gồm cả mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.