Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2023), phóng viên TTXVN tại Australia đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải - Giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị và chính sách công tại Trường Tư pháp, Khoa các ngành sáng tạo, giáo dục và công bằng xã hội, thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Australia) về những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển vững mạnh của hiệp hội, đặc biệt là trong việc xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Về những đóng góp cụ thể của Việt Nam cho việc xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN - gồm Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng với mỗi cộng đồng, Việt Nam đều có những đóng góp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và mới đây nhất là Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN đến năm 2025.
Về Cộng đồng An ninh-Chính trị, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thông qua các văn kiện cơ bản, làm nền tảng và định hướng cho việc xây dựng và thực hiện cộng đồng này.
Các văn kiện đó bao gồm Tuyên bố Bali 2 (năm 2003) và Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 (năm 2016).
Những đặc điểm cốt lõi của Cộng đồng An ninh-Chính trị gồm: một cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng về con người và đặt con người ở trung tâm; một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định; ASEAN đóng vai trò trung tâm trong khu vực năng động và hướng ngoại; tăng cường năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Việt Nam đã có nhiều đóng góp nhằm thực hiện các mục tiêu đó, chẳng hạn như việc Việt Nam nhất trí và đề cao việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) và luật pháp quốc tế.
Điều này cũng phù hợp và nhất quán với quan điểm của Việt Nam khi xây dựng Hiến chương ASEAN, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney Australia. (Ảnh: Văn Linh/TTXVN)
Chuyên gia nhận định Việt Nam cũng đã làm tốt vai trò điều phối ASEAN trong quan hệ song phương giữa ASEAN với các đối tác, hoặc đại diện cho tiếng nói của ASEAN trong các diễn đàn này.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức phiên thảo luận đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN trong Hội đồng Bảo an trong giải quyết các vấn đề khu vực.
Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và sâu rộng vào giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, chủ yếu qua tham gia các cơ chế của ASEAN và do ASEAN chủ trì, đặc biệt trong các vấn đề ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo.
Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh Việt Nam cam kết thực hiện 95,5% các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng, trở thành một trong những nước thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất, chỉ sau Singapore.
Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã thành công trong việc kêu gọi các thành viên ra “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững,” khẳng định quyết tâm củng cố và xây dựng cộng đồng.
Mới đây, dưới sự chủ trì của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy thành công việc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với Tổng sản phẩm (GDP) bằng khoảng 30% GDP toàn cầu và một thị trường với 1/3 dân số thế giới. Tham gia RCEP có cả 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam không chỉ là địa chỉ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nền kinh tế phát triển năng động, mà còn là cầu nối và cửa ngõ để các nhà đầu tư ngoài khu vực vào ASEAN.
Về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải đánh giá Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực lên ý tưởng về một cộng đồng văn hóa-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì xây dựng hai văn kiện quan trọng, bao gồm Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho Phụ nữ và Trẻ em ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN về Phát triển Nguồn Nhân lực và Kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, vốn được coi là những ưu tiên mũi nhọn của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Đặc biệt, trong Năm Chủ tịch 2020, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 để trình các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua.
Đây là những văn kiện mang tính tiền đề, rất quan trọng với quá trình phát triển cộng đồng trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Hải, sự đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng này còn thể hiện qua việc Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng cấp Bộ trưởng thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, bao gồm Hội nghị Hội đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN năm 2010, Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN năm 2014, hay Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN năm 2014.
Tựu trung lại, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng Việt Nam đã vận dụng phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” để đóng góp vào hoạt động cũng như sự lớn mạnh của ASEAN và đây là chính sách nhất quán của Việt Nam đối với hiệp hội./.