Việt Nam tích cực thực hiện hoạt động nhân đạo
Trong dòng chảy lịch sử 160 năm của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, 66 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là thành viên rất tích cực.
Việt Nam là thành viên rất tích cực
Ngày 23/11/1946, Hội Hồng thập tự Việt Nam (nay là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) chính thức được thành lập.
Sự ra đời của Hội đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống Nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức gia nhập phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (CTÐ-TLLÐ) quốc tế năm 1957.
Trong những năm qua, các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn hướng về cộng đồng, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các phong trào lớn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia 2023 tổ chức ngày 23/4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, trong dòng chảy lịch sử 160 năm của phong trào CTÐ-TLLÐ quốc tế, 66 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là thành viên rất tích cực.
Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng chăm lo hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người gặp khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhân đạo.
Việt Nam đã, đang tích cực, chủ động tham gia các hoạt động nhân đạo ở nước ngoài với tư cách là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và phong trào nhân đạo thế giới. Vai trò, uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng nâng cao cả ở trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội của đất nước, cho sự nghiệp nhân đạo, hòa bình, hữu nghị trên thế giới.
Tầm nhìn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (theo Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045): Là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện tại Việt Nam, tham gia hiệu quả các hoạt động nhân đạo quốc tế và đến năm 2045 trở thành hội quốc gia mạnh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian qua, bằng việc phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam động viên các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ nỗ lực chăm lo trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị tổn thương, người yếu thế. Các hoạt động nhân đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Qua đó không ngừng làm lan tỏa các giá trị nhân đạo đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, tích cực tham gia phong trào CTÐ-TLLÐ quốc tế.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái
Chúng ta hãy gắn kết với nhau bằng tình yêu thương và lòng nhân ái, cùng nhau xây dựng một cộng đồng đoàn kết, một xã hội tiến bộ, văn minh, chan chứa tình người.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia 2023
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh đến truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, nhân ái, "Thương người như thể thương thân". Việt Nam là đất nước phải trải qua những năm dài chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh tàn phá… truyền thống ấy càng được khẳng định và nhân lên mạnh mẽ.
Tháng Nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2018. Qua 5 năm triển khai đạt trị giá hơn 2.052 tỷ đồng, vượt 144% so với bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm, trợ giúp 4,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, sau 5 năm triển khai, Tháng Nhân đạo đã góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ, phát huy, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, sự quan tâm, sẻ chia trong xã hội.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước đã quan tâm, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ thực hiện tốt vai trò nòng cốt, cầu nối gắn kết và điều phối trong hoạt động nhân đạo.
Tiếp nối thành công đã đạt được, Chủ tịch nước tin tưởng Tháng Nhân đạo năm 2023 với chủ đề "Từ trái tim mỗi chúng ta - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" và phong trào "Người tốt việc thiện, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", phấn đấu vận động được ít nhất 400 tỷ đồng để trợ giúp 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó ưu tiên ngư dân nghèo, khó khăn, trẻ em nghèo, khuyết tật sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước.
Để Tháng Nhân đạo thực sự trở thành tháng toàn dân làm hoạt động nhân đạo, "mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" góp phần thực hiện chủ trương an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhận thức và hành động bằng mệnh lệnh trái tim sẽ hàn gắn những tổn thương sau thiên tai, dịch bệnh và những bất trắc trong cuộc sống, lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp của phong trào
nhân đạo rộng lớn, thống nhất, toàn cầu.
Tháng Nhân đạo năm 2023 bắt đầu từ ngày 1-31/5, cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày CTĐ - TLLĐ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).
Trong Tháng Nhân đạo năm 2023, toàn Hội tổ chức các hoạt động phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 100% các tỉnh, thành hội tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực, hướng về cộng đồng trong tuần lễ cao điểm của Tháng Nhân đạo.
Trong đó, mỗi tỉnh, thành hội tổ chức được ít nhất 1 công trình, phần việc nhân đạo, chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương.
Phấn đấu trong Tháng Nhân đạo 2023, toàn Hội vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để trợ giúp 100.000 địa chỉ nhân đạo (cá nhân và tập thể). Trong đó các cấp Hội phấn đấu vận động, kết nối xây mới, sửa chữa được 63 điểm “Bếp sạch - Cơm ngon” tại các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng/điểm (1 điểm/tỉnh, thành hội)…