Việt Nam tích cực hợp tác phòng chống ma tuý
Trước tình hình ma túy phức tạp trên thế giới và khu vực, Việt Nam đã phối hợp với các nước, các tổ chức triển khai nhiều hoạt động tham gia và đóng góp tích cực vào hợp tác về phòng, chống ma tuý.
Đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương
Với tinh thần "đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”, “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy”, Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc (LHQ), chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia và triển khai đẩy mạnh phòng, chống ma túy. Đến nay, Việt Nam đã tham gia các Công ước của LHQ và ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận song phương về kiểm soát ma túy với nhiều nước.
Việt Nam tích cực xây dựng và củng cố quan hệ đa phương trong phòng, chống tội phạm ma túy, bao gồm các khuôn khổ hợp tác của khu vực và thế giới; tăng cường mở rộng quan hệ phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), Ủy ban Kiểm soát ma túy (CND), Interpol..., trong hợp tác đấu tranh phòng chống ma túy.
Theo đánh giá, việc tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương đã góp phần giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong nước. Theo đó, hiệu quả trao đổi thông tin tội phạm về ma túy ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Trên cơ sở các mối quan hệ đã thiết lập, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý và trao đổi nhiều lượt thông tin liên quan đến tình hình các loại tội phạm ma túy do các nước cung cấp và trao đổi.
Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập và duy trì các văn phòng Liên lạc qua biên giới (BLO) và thực hiện các hoạt động chung xuyên biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Qua BLO, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Việt Nam đã tiếp nhận, xác minh và xử lý hàng ngàn thông tin về hoạt động phạm tội về ma túy liên quan đến nước ngoài. Số vụ phá án ma tuý tăng, số đối tượng bắt giữ tăng, mở rộng được nhiều vụ án xuyên quốc gia liên quan đến quốc tế…
Cùng với đó, thông qua các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tranh thủ được sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ và trang bị phương tiện phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng thông qua các dự án, chương trình họp tác. Theo đó, Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và phòng ngừa, đấu tranh vớ tội phạm ma túy…
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Duy trì, đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với lực lượng hành pháp các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới; nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy của Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, đặc biệt là DEA. Việt Nam đẩy mạnh công tác kiểm soát, phòng ngừa thất thoát tiền chất; tích cực tham gia các diễn đàn đa phương phòng, chống ma túy trong khu vực và trên thế giới.
Về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Việt Nam đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, đặc biệt tại khu vực biên giới, cửa khẩu và cảng biển. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức huy động sự tham gia của toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy thông qua các cuộc vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự…
Quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm ma túy
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Việt Nam là quốc gia có đặc điểm địa lý đặc biệt với đường biển trải dài trong khi đường biên giới lại tiếp xúc với khá nhiều nước trong khu vực.
Các hoạt động vận chuyển ma túy xuyên biên giới từ Camphuchia và Lào, là nơi có nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang hoạt động.
Trước thách thức chung của thế giới về vấn đề ma túy, Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này. Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 8 (AMMD8) tổ chức tại Lào ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi và thông qua Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới.
Việt Nam đề ra các chính sách tầm vĩ mô với những mục tiêu dài hạn như Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 và chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn tầm nhìn đến năm 2030. Việt Nam triển khai lồng ghép các kế hoạch và sáng kiến hợp tác chung của ASEAN vào chương trình quốc gia phòng, chống ma túy, trong đó, dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa.
Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam đang đổi mới triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, công tác xác định tình trạng nghiện và quản lý sau cai nghiện; quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Ngoài những nỗ lực trong nước, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực...