Lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg lần thứ 27. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu.
Với chủ đề “Cơ sở của thế giới đa cực - sự hình thành các điểm tăng trưởng mới”, nội dung của Diễn đàn tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính gồm: quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thế giới đa cực; các mục tiêu và nhiệm vụ trong chu kỳ kinh tế mới của nước Nga; xây dựng xã hội lành mạnh, gìn giữ giá trị truyền thống; ứng dụng công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển.
Các đại biểu đã thảo luận sâu về những vấn đề lớn của kinh tế thế giới như ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng; số hóa nền kinh tế; chủ quyền và độc lập về công nghệ của các quốc gia…
Đây cũng là dịp để Nga quảng bá những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nổi bật và kết nối đối tác.
Trong thông điệp chào mừng gửi tới Diễn đàn, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh nước Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ mà thế giới đang đối mặt, cùng xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng và đa dạng văn hóa của các quốc gia.
Tổng thống Putin cũng bày tỏ tin tưởng Diễn đàn sẽ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia và khởi động nhiều sáng kiến và dự án mới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra nhiều hội thảo. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết, hợp tác và hành xử có trách nhiệm của tất cả các quốc gia để cùng vượt qua những thách thức chung của thế giới.
Phó Thủ tướng khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán và Việt Nam hoan nghênh và tham gia tích cực vào các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác phải dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; và hợp tác cần là cơ chế mở, bao trùm, khuyến khích sự tham gia của các nước; tính đến trình độ phát triển, đặc thù của mỗi bên; bảo đảm bền vững về môi trường, hài hòa về xã hội và hiệu quả về kinh tế.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến “Đối tác Đại Á-Âu” của Tổng thống Putin về kết nối các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, trong đó có Liên minh kinh tế Á-Âu và ASEAN, nhằm tạo sự cộng hưởng và lan tỏa lợi ích tới tất cả các bên.
Nhằm gia tăng kết nối và liên kết kinh tế giữa các quốc gia khu vực Á-Âu, Phó Thủ tướng đã đề xuất phát triển các hành lang giao thông liên quốc gia từ đông sang tây và từ bắc tới nam, gắn kết các dự án giao thông đang được triển khai trên các vùng, miền của nước Nga cùng với kế hoạch kết nối của ASEAN và các khuôn khổ hợp tác khu vực khác để hình thành nên các tuyến hành lang mới kết nối các trung tâm kinh tế trên toàn châu lục.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư nhằm tiếp tục mở cửa thị trường, mở rộng đầu tư, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho thương mại và đi lại của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu với ASEAN, và mong hai bên sớm nghiên cứu khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do.
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, bởi đây là xu thế tất yếu của thế giới và là lựa chọn chiến lược để bảo đảm tương lai của các nước.
Phó Thủ tướng đã đề xuất các quốc gia đi trước trong tiến trình này chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách, thu hút nguồn lực, ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng số, hạ tầng xanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt-Nga tăng cường giao lưu, đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực ưu tiên như thương mại hàng hóa, các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Đây cũng là những nội dung được nhiều diễn giả đề cập và được thảo luận ở các chuyên đề của Hội nghị.
Ngày 6/6, trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp và làm việc với đại diện Bộ Phát triển kinh tế Nga, Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, Tập đoàn Novatek và Tập đoàn Sistema.
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg được tổ chức thường niên từ năm 1997 và được đặt dưới sự bảo trợ trực tiếp của Tổng thống Nga Putin từ năm 2006. Diễn đàn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Liên bang Nga và các đối tác trên thế giới.