Vaccine Covaxin do Công ty Bharat Biotech International Limited (Ấn Độ) sản xuất, mỗi liều 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn nCoV bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều.
Đây là loại vaccine thứ 9 được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống Covid-19. 8 vaccine đã được cấp phép trước đó là AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Sputnik V, Moderna, Sinopharm, Hayat-Vax, Abdala.
Vaccine Covaxin được sử dụng ở một điểm tiêm chủng tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 10/2021. Ảnh: Hindustan Times |
Hôm 4/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Covaxin. Vaccine có hiệu quả 78% sau bốn tuần tiêm đủ hai mũi và "cực kỳ phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản dễ dàng".
Covaxin là vaccine Covid-19 đầu tiên phát triển và sản xuất hoàn toàn ở Ấn Độ được WHO chấp thuận. Đây là vaccine Covid-19 thứ 8 trong danh sách cấp phép của WHO, sau vaccine Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac.
Covaxin sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống để tăng cường phản ứng miễn dịch. Vaccine có thể bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, thay vì dưới 0 độ C như các loại vaccine mRNA của Pfizer và Moderna. Nhờ đó, công tác bảo quản và phân phối vaccine dễ dàng hơn, đặc biệt ở nước nghèo.
Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp Covaxin trong nước vào đầu năm. Đến nay Ấn Độ đã tiêm khoảng 121 triệu liều Covaxin, chiếm khoảng 11% tổng số mũi tiêm vaccine Covid-19.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều vaccine các loại. Tính tới sáng 10/11, cả nước đã tiêm được hơn 94 triệu liều, trong đó có hơn 30 triệu người (từ 18 tuổi trở lên) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, chiếm tỷ lệ khoảng 42%.