Đại sứ Kiya Masahiko, Phái đoàn Nhật Bản tại ASEAN. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Đại sứ Nhật Bản tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kiya Masahiko cho rằng những giá trị mà ASEAN và Nhật Bản cùng chia sẻ trong 50 năm qua là hòa bình, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Đại sứ Kiya Masahiko cho biết tầm nhìn này đã được thể hiện từ hơn 40 năm trước khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó Fukuda Takeo tới thăm các nước ASEAN và có bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng mà ngày nay được gọi là “Học thuyết Fukuda."
Học thuyết trên nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành cường quốc quân sự đe dọa khu vực; sẽ xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á; tích cực hợp tác và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN với tư cách là đối tác bình đẳng. Đây là những giá trị thực tế cơ bản thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của Nhật Bản với ASEAN trong suốt 50 năm qua.
Đề cập đến những chính sách và ưu tiên trong quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản, Đại sứ Kiya Masahiko cho hay Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ sáng kiến lồng ghép Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) bởi điều này hoàn toàn phù hợp và chia sẻ các nguyên tắc cơ bản với Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, bao gồm pháp quyền, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Theo nhà ngoại giao này, hồi tháng 12/2022, Nhật Bản đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó tái khẳng định cam kết thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở với ASEAN là nòng cốt, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Đề cập đến vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại nói chung của Nhật Bản và FOIP nói riêng, cũng như vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản, Đại sứ Kiya Masahiko nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia “rất quan trọng” trong ASEAN đối với Nhật Bản.
Cụ thể, Đại sứ Kiya Masahiko cho rằng có nhiều tiêu chí để đánh giá mức độ quan trọng của Việt Nam.
Về đầu tư, theo khảo sát mới nhất của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ các công ty Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN.
Đại sứ Kiya Masahiko cho rằng điều quan trọng không kém là các hoạt động giao lưu nhân dân khá nổi bật giữa hai nước, trong đó có du lịch.
Ông bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ ASEAN-Nhật Bản thông qua hợp tác kinh doanh, giao lưu nhân dân và sự hiểu biết lẫn nhau.
Đại sứ Kiya Masahiko cho hay ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí chọn năm 2023 là Năm Hợp tác và Hữu nghị ASEAN-Nhật Bản. Kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm tại Tokyo vào tháng 12 tới, sau các sự kiện tương tự do Nhật Bản đăng cai tổ chức cách đây 20 năm và 10 năm dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi và Thủ tướng Shinzo Abe.
Đại sứ Kiya Masahiko khẳng định rằng Hội nghị cấp cao kỷ niệm vào tháng 12 tới là sự kiện mang tính bước ngoặt quan trọng khác trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản với một tuyên bố chung được mong đợi về các kế hoạch hành động tương lai.
Đại sứ Kiya Masahiko, Phái đoàn Nhật Bản tại ASEAN trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Hai bên cũng sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao vào tháng 9 tới tại Jakarta (Indonesia) nhân cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo ASEAN. Bên cạnh đó, một số cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN-Nhật Bản cũng sẽ được tổ chức trong năm nay, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp vào tháng 7, cùng Hội nghị Bộ trưởng Du lịch vào tháng 10 tới…
Theo Đại sứ Kiya Masahiko, ngoài AOIP, các hội nghị sắp tới sẽ là diễn đàn để hai bên thảo luận về lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực như y tế cộng đồng, quản lý thảm họa thiên tai, thúc đẩy số hóa, quá trình khử carbon và nền kinh tế tuần hoàn.
Cho rằng tất cả các vấn đề quan trọng này có thể được giải quyết tốt nhất thông qua hợp tác, cùng sáng tạo, cùng đổi mới giữa các thế hệ mới của người dân ASEAN và Nhật Bản, Đại sứ Kiya Masahiko hy vọng rằng năm 2023 sẽ là cơ hội tốt để đưa hợp tác ASEAN-Nhật Bản lên tầm cao mới./.