Kinh tế

Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới làm giấy nền đa lớp in tiền polymer

PV 30/08/2023 11:16

Trên thế giới trước đây chỉ 2 nước là Úc và Anh có công nghệ sản xuất giấy đa nền in tiền polymer. Việt Nam vừa chính thức trở thành quốc gia thứ ba có một nhà máy tương tự thuộc một doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

Hành trình hai thập kỷ

Trải qua gần 78 năm thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hình thành và sử dụng 6 bộ tiền khác nhau. Bộ tiền đầu tiên (1946-1951) được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phát hành vào tháng 1/1946.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền polymer - Ảnh 2.

Đời tiền thứ nhất

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, NHNN Việt Nam đã đề xuất xây dựng bộ tiền mới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái, lòng dân đang hoang mang bởi lạm phát cao (dù đã giảm hơn giai đoạn trước), nếu chuyển đổi loại giấy in tiền thì không loại trừ nạn lạm phát sẽ bùng phát trở lại.

Đến năm 1996, nạn tiền giả gia tăng, có nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế do đối tượng làm tiền giả ngày càng tinh vi chuyên nghiệp hơn, hoạt động từ lãnh thổ bên ngoài. Đây là một yếu tố khiến dự án phát hành bộ tiền mới được khởi động lại. Đặc biệt là năm 1998, sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm Úc trở về, ông đã mang theo 1 tờ tiền polymer có mệnh giá 5 AUD rồi bàn với Thống đốc NHNN Việt Nam ngày đó là ông Cao Sỹ Kiêm để tính chuyện nghiên cứu in tiền polymer. Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ khi đó đặt ra cho ngành ngân hàng là tờ tiền "phải đẹp, tính văn hoá dân tộc đậm đà và đặc biệt phải có khả năng chống giả cao".

Năm 1999, lãnh đạo NHNN bắt đầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cử một phó Thống đốc dẫn đoàn cán bộ đi thăm Úc cùng 17 quốc gia khác đang dùng tiền polymer để tham khảo, nhận xét và bắt đầu hợp tác với Úc để in tiền polymer. Thực tế đã cho thấy đó là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả dù từ chủ trương được đề ra rất sớm nhưng mãi 8 năm sau (12/2003) mới triển khai. Đây được xem như là bộ tiền thứ 6 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Song cũng phải 20 năm, đến hôm nay chúng ta mới hoàn chỉnh cả một quy trình công nghệ tinh xảo. Đó là cả chặng đường dài đầy gian nan vì 3 năm sau đó (2006) khi tiền polymer đang phát hành dần dần từng mệnh giá khác nhau thì bỗng có thông tin thiếu chính xác tung ra làm dư luận hoang mang, hoài nghi về chất lượng của tờ tiền. Nào là tiền này "khi gặp nóng sẽ ròn tan, vỡ vụn như bánh đa", nào là "khi gặp nước sẽ bị thôi màu, nhoè nhoẹt", nào là "đổ nước mắm vào sẽ bị biến dạng" không thể dùng được...

Thực ra thì cũng "có chuyện" thật chứ không phải hoàn toàn không. Chỉ có điều nguyên nhân là do chúng ta đã không tuân thủ các yêu cầu của công nghệ in polymer. Ví dụ như tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng ngày đó đã được in với mực in giấy coton lúc đó đang tồn kho nhiều. Nhà in cho trộn lẫn loại mực này với mực polymer "cho khỏi lãng phí" nên tờ tiền dễ bị nhoè, kém chất lượng. Việc này đã được lãnh đạo NHNN chấn chỉnh nghiêm túc và sau đó, khi được in đúng kỹ thuật thì chất lượng tiền rất tốt.

Hiệu quả của việc dùng tiền polymer đã cho thấy sự vượt trội so với tiền giấy vì khó làm giả hơn nhiều; độ bền cũng cao hơn từ 2-4 lần tuỳ theo cách của người dùng và một điều cũng không kém phần quan trọng với người sử dụng, đó là nó sạch hơn rất nhiều so với tiền giấy cotton.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền polymer - Ảnh 1.

Đời tiền thứ 6

Vươn ra biển lớn

Sau 20 năm Việt Nam dùng tiền polymer, đến nay một doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước là Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T đã được cấp Bằng sáng chế độc quyền để sản xuất giấy nền trên chất liệu polymer. Bằng sáng chế có tên "Nền đa lớp và quy trình sản xuất nền đa lớp PolySecure", do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp ngày 27/4/2022.

Tại buổi lễ trao Bằng sáng chế độc quyền này tại nhà máy của Công ty Q&T mới đây, thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết một số thông tin chung cũng như cảm nhận về hàm lượng khoa học của đề tài này. Ông nói: "Trong những năm gần đây, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2022, số lượng đơn của chủ thể Việt Nam (1340 đơn) tăng hơn 1,5 lần so với 5 năm trước đó (865 đơn). Tương ứng, số lượng văn bằng bảo hộ cấp cho chủ thể Việt Nam năm 2022 (329 văn bằng) tăng hơn 1,4 lần so với 5 năm trước đó (227 văn bằng). Điều đó cho thấy nỗ lực của cả hệ thống để sáng chế ngày càng trở thành tài sản có giá trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng vật liệu bảo an, qua tra cứu sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, riêng trong năm 2022 trên thế giới có gần 1.500 đơn đăng ký sáng chế được nộp tại các nước trên thế giới xuất phát từ hơn 600 sáng chế được tạo ra. Điều đó cho thấy đang có sự quan tâm đầu tư khá lớn cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về giả mạo giấy tờ bảo an, đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư phát triển công nghệ.

Hôm nay đến với Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T, tôi rất vui khi được biết Công ty đã có nhiều đầu tư, nhiều nỗ lực nhằm cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động của mình. Cụ thể, Công ty đã được cấp 1 Bằng Sáng chế cho vật liệu polymer bảo an và quy trình sản xuất và có 4 đơn sáng chế đang được thẩm định tại Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, tôi cũng được biết là công ty dự định sẽ tiếp tục đăng ký các sáng chế khác không những ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Tôi trân trọng và đánh giá cao các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Công ty đã thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa bước qua đại dịch và còn nhiều khó khăn trong kinh tế vĩ mô…"

Đã vừa tròn 20 năm từ khi Việt Nam chính thức dùng tiền polymer. Tiền polymer càng ngày càng chứng minh tính đúng đắn của quyết định chuyển đổi công nghệ in tiền bởi độ bảo an rất cao. Thế giới hiện có 75 tỷ tờ tiền polymer đang lưu thông tại hơn 30 nước với khoảng 175 mệnh giá.

Với việc Việt Nam có thể chủ động sản xuất giấy nền đa lớp, nhà máy In tiền quốc gia sẽ bớt phụ thuộc và bị nước ngoài ép giá. Chúng ta có thể in tiền có độ bảo an cao hơn nhập ngoại nhờ công nghệ nhập từ Đức, tối tân hơn cả 4 nhà máy còn lại trên thế giới, vốn đã hình thành từ vài chục năm trước. Nhà máy sản xuất giấy nền in tiền polymer của Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tham gia cung cấp giấy nền đa lớp để in tiền polymer, in hộ chiếu, in các loại văn bằng chống làm giả không chỉ cho 30 quốc gia trên thế giới.

Được biết, Công ty Crane Currency (Mỹ) chuyên cung cấp giấy in tiền cho 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với cả 2 loại giấy cotton và polymer và là công ty độc quyền phân phối giấy in tiền USD từ năm 1801 đến nay, sẽ là đối tác của Công ty Polymer Q&T. Vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật của công ty này đã sang tìm hiểu, thẩm định trước khi hai bên thoả thuận hợp tác. Họ đã hết sức ngạc nhiên bởi công nghệ mới mà phía doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và đặc biệt còn tự chủ, dùng đến gần 90% nguyên phụ liệu trong nước, chỉ trừ mực in của Nhật Bản, do công ty Q&T nhập về rồi tự pha trộn.

Ngày 29/8/2023, tại nhà máy của phía Việt Nam, hai công ty đã chính thức kí kết thoả thuận hợp tác lâu dài cùng nhau để giúp Công ty Polymer Q&T đưa giấy đa nền đa lớp sản xuất tại Việt Nam ra nước ngoài tiêu thụ. Chặng đường phía trước vừa mới mở với một DN tư nhân thuộc lĩnh vực công nghệ cao đầu tư xây dựng nhà máy có tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng. Đây là hướng đi tích cực của một DN còn non trẻ như Công ty TNHH Công nghệ cao polymer Q&T khi vươn ra biển lớn.

Theo thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-giay-nen-da-lop-in-tien-polymer-18523082914210746.htm
Copy Link
https://thanhnien.vn/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-giay-nen-da-lop-in-tien-polymer-18523082914210746.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới làm giấy nền đa lớp in tiền polymer
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO