Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn

Nguyễn Hoà| 11/12/2023 14:38

Tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn, AI và các ngành công nghệ cao vô cùng lớn.

Nắm bắt cơ hội để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫnViệt Nam - Hoa Kỳ: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và chuỗi cung ứngChủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất

Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) tổ chức tại NIC Hòa Lạc vào ngày 11/12.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA, ông Jensen Huang, đồng chủ trì tọa đàm.

Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn
Ông Jensen Huang - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (thứ 2 từ trái qua) phát biểu tại Toạ đàm

NVIDIA là một công ty công nghệ đa quốc gia, chuyên thiết kế các bộ xử lý đồ họa (GPU), giao diện lập trình ứng dụng (API) cho khoa học dữ liệu và điện toán hiệu năng cao cũng như hệ thống trên các đơn vị chip (SoC) cho thị trường điện toán di động và ô tô. Tính đến thời điểm hiện tại, NVIDIA có hơn 27.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu đạt gần 27 tỷ USD. Với cơn sốt AI toàn cầu, NVIDIA đang tăng kế hoạch sản xuất chip AI cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của tập đoàn dự kiến còn tăng rất nhiều trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với NVIDIA. Tại đây, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trao đổi với ông Jensen Huang về xu hướng phát triển vi mạch bán dẫn, AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa tập đoàn với phía Việt Nam, cũng như những góp ý cho đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Jensen Huang. Tại đây, ông Jensen Huang đã tuyên bố NVIDIA sẽ xây dựng cứ điểm của tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tọa đàm Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam là một bước tiến sau quá trình trao đổi tích cực và hiệu quả giữa hai bên. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng, củng cố hơn nữa việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái bán dẫn, AI Việt Nam.

Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn
Lãnh đạo NVIDIA cam kết mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam

Tại Toạ đàm, ông Jensen Huang - Chủ tịch NVIDIA đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Jensen Huang nêu rõ: “AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay, là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của NVIDIA. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam”.

“Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương. Vấn đề hiện giờ là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI” – ông Jensen Huang khẳng định.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có một số lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI cũng như cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho NVIDIA hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phía NVIDIA đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư về bán dẫn, AI vào Việt Nam; hợp tác, đầu tư, xây dựng các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), phòng thí nghiệm về thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn của NVIDIA tại NIC và các khu công nghệ cao; hợp tác, tư vấn, hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia các cơ sở đào tạo của Việt Nam về nguồn lực, chuyên gia xây dựng các chương trình đào tạo, thực hành trong lĩnh vực bán dẫn, AI; phối hợp với NIC triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và hợp tác với các cơ sở đào tạo lớn của Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn…

Vừa qua, trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ hai bên cũng nhấn mạnh hợp tác đột phá của hai nước là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và AI. Việt Nam đã được Chính phủ Hoa Kỳ mời tham gia các sáng kiến về bán dẫn trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Có thể nói, tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn, AI và các ngành công nghệ cao khác là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ ngoại giao của hai nước trong thời kỳ mới.

Do vậy, Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Tập đoàn NVIDIA cũng là lời cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nói chung, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong việc quyết tâm đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn và AI.

Nguyễn Hoà

Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/viet-nam-hoa-ky-nhieu-tiem-nang-hop-tac-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-291253.html
Copy Link
https://congthuong.vn/viet-nam-hoa-ky-nhieu-tiem-nang-hop-tac-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-291253.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO