Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số cơ sở sản xuất cho Apple
Trong giai đoạn 2016-2022, số nhà máy do đối tác của Apple đặt tại Việt Nam tăng từ 16 lên 27, đứng thứ hai khu vực và thứ 7 thế giới.
Theo danh sách tính đến tháng 5 do Apple công bố, 200 nhà cung cấp hàng đầu của hãng đã mở rộng hàng loạt địa điểm sản xuất cho hãng trong năm 2022, đặc biệt tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Nam Á.
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng cơ sở sản xuất tăng mạnh nhất. Từ mức 18 năm 2016, số nhà máy của đối tác Apple tại đây đã tăng lên 27 vào năm 2022, chỉ sau Thái Lan - nước hiện có 28 cơ sở sản xuất cho Apple. Việt Nam cũng vượt ba nước khác ở Đông Nam Á là Malaysia (25 cơ sở), Singapore (21 cơ sở) và Philippines (19 cơ sở).
Xét trên bức tranh chung, Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách. Hầu hết đối tác có nhà máy đặt tại Việt Nam là những tên tuổi quen thuộc, như Foxconn, Luxshare hay các doanh nghiệp cung ứng linh kiện như Samsung, Intel, LG.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều đối tác Apple đặt nhà máy nhất trong 2022 với 276 cơ sở, tăng từ mức 262 của 2021, nhưng lại giảm mạnh so với mức 346 của 2016. Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với 124 cơ sở, tiếp đến là Mỹ với 62 cơ sở. Ấn Độ từ một nhà máy ban đầu năm 2016, hiện tăng mạnh lên 14.
"Danh sách mới cho thấy Apple đã bắt đầu đa dạng hóa địa điểm sản xuất, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á. Đây là dấu hiệu thể hiện việc mở rộng của công ty Mỹ, chuẩn bị cho một hệ sinh thái sản xuất toàn cầu tách rời", Digitimes bình luận.
Việt Nam và Ấn Độ được xem là hai điểm đến hấp dẫn của Apple. Apple đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone qua Ấn Độ, cũng như đã mở cửa hàng Apple Store đầu tiên để thu hút người dùng và tăng sự hiện diện.
Việt Nam hiện có các nhà máy lớn chuyên gia công các thiết bị Apple. Theo số liệu của JP Morgan tháng 9/2022, Việt Nam có thể thành khu vực sản xuất quan trọng của công ty Mỹ, chủ yếu lắp ráp AirPods, iPad và Apple Watch. Đến năm 2025, Việt Nam dự kiến đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods.
Các công xưởng tại Việt Nam đang lắp ráp nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu, như loạt thiết bị từ Samsung, Xiaomi, Apple. Dù vậy, thế khó của Việt Nam là thiếu các công ty đóng vai trò là đối tác lớn trong chuỗi cung ứng. Trong số các nhà cung cấp của Apple hiện có, không có một cơ sở nào của người Việt. "Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát huy tiềm năng của chính mình hay không, hay chỉ như một 'nền tảng lắp ráp' được coi trọng chủ yếu nhờ lao động giá rẻ", FT bình luận trong một bài viết cuối năm ngoái.