Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút doanh nghiệp FDI xuất khẩu đến Mỹ

Trung Anh| 08/04/2025 09:43

Với việc nằm trong TOP các quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất từ Mỹ, KBSV Việt Nam cho rằng dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam sẽ có xu hướng giảm trong 1 – 2 năm tới. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, dòng vốn FDI giải ngân có thể phục hồi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI nhắm đến thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ...

Ngày 2/4/2025 – “Ngày giải phóng”, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam nằm trong TOP các quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất. Bản thân Donald Trump cũng đã nhìn thấy những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên với quan điểm của Donald Trump, điều này là tích cực để đạt được mục tiêu “Ameriaca First” và gia tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc trong dài hạn.

Bên cạnh đó, trong Tradewar 1.0, các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn khi áp đặt thuế quan, nhưng hàng hóa mà họ nhận về vẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc (do việc lách xuất sứ sang các quốc gia khác), Donald Trump đánh giá điều này là tiêu cực. Do đó, với những động thái hiện tại, Khối phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV Research) cho rằng Donald Trump sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong Tradewar 2.0, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại có tỷ trọng lớn hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm Canada, Mexico, Việt Nam… 

Theo đó, KBSV Research dự báo các doanh nghiệp FDI sẽ có xu hướng tạm dừng giải ngân cho các dự án đầu tư nhà máy mới đã đăng ký trước đó. Đồng thời cắt giảm sản lượng tại các nhóm ngành dễ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Các ngành như may mặc, đồ gỗ nội thất, thủy sản, sắt thép sẽ chịu tác động tiêu cực ngay lập tức. Theo ước tính, nhóm mặt hàng này chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu các đơn hàng xuất khẩu này bị ảnh hưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm tới 10% do việc dịch chuyển đơn hàng có thể chỉ mất từ 3 – 6 tháng sang các đối tác chịu mức thuế thấp hơn Việt Nam và rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Đối với các mặt hàng ngành Linh kiện điện tử, thiết bị điện, và công nghệ cao vẫn bị chịu ảnh hưởng nhưng ở mức độ vừa phải hơn (chiếm khoảng 17% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) do việc dịch chuyển đơn hàng sang quốc gia khác gặp nhiều trở ngại hơn về nhà máy sản xuất, chi phí đầu tư và nguồn lao động. Ngoài ra, đây là những mặt hàng đóng vai trò phụ trợ cho hoạt động sản xuất ngành công nghiệp, công nghệ cao tại Mỹ, nên có cơ sở kỳ vọng Việt Nam có thể đàm phán, thương lượng để D. Trump xem xét giảm mức thuế áp dụng đối với các sản phẩm này. Bên cạnh đó, Tradewar 1.0, các mặt hàng này cũng được loại trừ ra khỏi danh sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc. 

Tradewar 20 tác động tiêu cực đến xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam

Trong dài hạn, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút doanh nghiệp FDI xuất khẩu đến Mỹ khi mức thuế đối ứng 46% mà Việt Nam phải chịu cao hơn đáng kể so với các quốc gia cạnh tranh khác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Malaysia... Điều này tạo ra bất lợi lớn cho Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI nhắm đến thị trường xuất khẩu Mỹ

Mặc dù Việt Nam có khả năng đàm phán để giảm thuế, nhưng các doanh nghiệp FDI đã phần nào nhận thức được xu hướng leo thang và định hướng của D.Trump trong Tradewar 2.0. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI mới tạm dừng giải ngân vào VIệt Nam lo ngại về chi phí và rủi ro khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có thể sẽ cắt giảm công suất. Phần công suất sản xuất dành cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ – ước tính chiếm khoảng 30% – có khả năng sẽ dần bị cắt giảm tại Việt Nam. Thay vào đó, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch phần công suất này sang những quốc gia khác có mức thuế quan thấp hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia tại KBSV kỳ vọng dòng vốn FDI giải ngân có thể phục hồi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về lực lượng nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi cho việc giao thương, các chính sách thu hút vốn FDI… Một số doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ tương đối lớn tại Việt nam như Samsung, LG, Intel. Mặc dù vậy trong ngắn hạn (1–2 năm tới), các doanh nghiệp này có thể tạm thời ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, do công suất dư thừa từ phần sản lượng phục vụ cho Thị trường Mỹ và cần thêm thời gian để dịch chuyển đơn hàng sang thị trường khác.

Tradewar 20 tác động tiêu cực đến xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam
Top  FDI xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Việt Nam vẫn có cơ hội để đàm phán giảm mức thuế Ngày 9/4 là hạn chót để Mỹ áp thuế đối ứng. Dựa trên những hành động trước đây của ông Donald Trump, KBSV tin rằng những nỗ lực đàm phán của Việt Nam có thể giúp giảm thuế đối ứng xuống mức thấp hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này, thuyết phục Mỹ giảm thuế đối với các mặt hàng nguyên liệu và phụ trợ quan trọng cho ngành sản xuất của Mỹ, bao gồm, linh kiện điện tử, thiết bị điện, điện tử và các sản phẩm hỗ trợ sản xuất chip bán dẫn. Từ đó tiếp tục thu hút FDI ngành này trong dài hạn.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/viet-nam-co-the-mat-loi-the-canh-tranh-trong-viec-thu-hut-doanh-nghiep-fdi-xuat-khau-den-my-137754.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/viet-nam-co-the-mat-loi-the-canh-tranh-trong-viec-thu-hut-doanh-nghiep-fdi-xuat-khau-den-my-137754.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút doanh nghiệp FDI xuất khẩu đến Mỹ
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO