Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 (AMM-56). (Ảnh: THX/TTXVN)
Việt Nam có đóng góp quan trọng trong cách thức hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với phương châm "gắn kết, tích cực, chủ động và có trách nhiệm," thể hiện qua một số sáng kiến của Việt Nam nhằm đối phó với những thách thức cũng như giải quyết các vấn đề của ASEAN, như đại dịch COVID-19, thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hay thúc đẩy Đồng thuận 5 điểm về Myanmar.
Ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Phụ trách các vấn đề Đối ngoại, An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Viện MacDonald-Laurier (Canada), chuyên gia về các vấn đề quốc tế liên quan tới an ninh, quốc phòng và địa kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Ottawa.
Theo ông Miller, sự gắn kết luôn được nhắc đến trong các lĩnh vực của ASEAN, do đó cách tiếp cận của Việt Nam để có thể thực sự duy trì được sự gắn kết trong những vấn đề như COC là rất quan trọng. Điểm thứ hai là sự chủ động để có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng nếu có trong tương lai.
Ông cho rằng thế giới hiện đang ở thời điểm mà khả năng phản ứng cho dù là về an ninh y tế hay về an ninh khu vực đều không hiệu quả, nên sự chủ động là cần thiết đối với ASEAN. Việt Nam, đặc biệt trong đại dịch, đã thực hiện được một số bước chủ động quan trọng.
Tuy nhiên, tất cả sự chủ động đều sẽ không hiệu quả nếu không có phản ứng tích cực với tư cách là một tổ chức. Ông Miller nêu rõ đây là điều mà Việt Nam đang thực sự thúc đẩy để đạt được vấn đề chủ chốt là sự đồng thuận.
Chuyên gia Canada lưu ý bài học về an ninh y tế thông qua những kinh nghiệm chống dịch COVID-19 là không thể thực hiện điều gì một mình, không những cần sự hợp tác khu vực mà còn cần tất cả các hình thức hợp tác quốc tế. Bởi vậy, cần xem xét một số bài học kinh nghiệm về những gì mà Việt Nam đã làm trong ASEAN, như không chỉ có phản ứng khi sự việc xảy ra mà còn có sự chuẩn bị trước và có cả các kênh liên lạc mở rộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể trong xây dựng ba trụ cột an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội của Cộng đồng ASEAN.
Về an ninh-chính trị, Việt Nam thể hiện lập trường kêu gọi có cách ứng xử phù hợp trong vấn đề Biển Đông, với những phản ứng và hành động từ ASEAN nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an ninh và nguồn tài nguyên của khu vực. Theo ông Miller, cần có sự chia sẻ công bằng và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng tự do hàng hải...
Ông cho rằng vai trò của Việt Nam trong lộ trình này đã được chuẩn bị và đó là điều tích cực. Thông qua sáng kiến của mình, Việt Nam cũng đang cố gắng thúc đẩy các cuộc đối thoại chính trị thật sự nghiêm túc tại Myanmar.
Về trụ cột kinh tế, ông Miller cho biết Việt Nam hiện là một phần của nhiều hiệp định thương mại khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vai trò đi đầu của Việt Nam không chỉ ở trong một vài vấn đề này mà đang cố gắng lan rộng nhất có thể trong ASEAN.
Điều này có thể đem lại nguồn cảm hứng cho các thành viên khác trong ASEAN cùng thực hiện những cải cách nhất định, cho dù đó là thị trường lao động hay những khía cạnh khác để đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới. Philippines và một số nước khác đang xem xét mô hình của Việt Nam và cũng đang xem xét những vấn đề như tham gia CPTPP.
Về khía cạnh văn hóa xã hội, một trong những điều mà ông Miller cảm thấy rất thú vị khi có dịp đến thăm Việt Nam là sự tôn trọng của Việt Nam đối với các dân tộc khác nhau, những ngôn ngữ khác nhau trong cùng một đất nước. Trong ASEAN cũng có rất nhiều quốc gia có các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng mô hình của Việt Nam trong xử lý vấn đề hòa hợp dân tộc, cách Việt Nam làm nổi bật sự đa dạng văn hóa thực sự là điều tích cực"./.