Công nghệ thông tin

Việt Nam bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

P.V 26/10/2023 05:26

Trong giai đoạn phát triển xã hội số và chuyển đổi số hiện nay, Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Đa số trẻ em có sử dụng internet

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam, ở các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Cứ 3 trẻ em thì Việt Nam có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.

trem-em.png

Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: tiếp cận từ điện thoại di động của cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường, một số trẻ trả lời được tiếp cận internet qua máy tính ở trường học (23,6%).

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), internet có thể kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số. Tuy nhiên, đi kèm những tiện ích không thể phủ nhận dành cho thế hệ trẻ, môi trường mạng cũng mang đến những rủi ro, hiểm họa khó lường.

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: Xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạn trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.

Nỗ lực bảo vệ trẻ em

Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, tháng 5/2020, Quốc hội Việt Nam tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Các đại biểu quốc hội cho ý kiến, trong thời đại số, việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng trẻ đến kiến thức, kỹ năng để trẻ khai khác thông tin mạng an toàn.

Trên cơ sở những bộ luật cụ thể như Luật trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Luật Giao dịch điện tử, Luật Báo chí, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Việt Nam đã tiến hành triển khai nhiều nghị quyết, nghị định quan trọng vào đời sống.

Nổi bật nhất là Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Điểm nhấn của các chương trình này là đưa ra các mục tiêu đột phá trong hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng, dự báo tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có thể xảy ra trong tương lai gần và xây dựng các biện pháp phòng ngừa.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng đồng hành xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ về giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin dành cho học sinh đã được tổ chức thành công. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam tổ chức hàng loạt hội thảo, chương trình tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng để tìm hiểu thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp, sáng kiến để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em.

Bên cạnh duy trì và phát triển hệ thống tiếp nhận thông tin Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Việt Nam tiến hành thành lập các kênh, liên minh hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Đáng chú ý là sự ra đời của Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) gồm 24 thành viên. Hiện nay, VN-COP đã ra mắt ứng dụng báo cáo các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và công cụ kiểm tra đường link, website an toàn cho trẻ em trên webiste VN-COP. Qua đó, hoạt động này giúp Tổng đài 111 giảm tải nguồn thu nhận thông tin tư vấn về trẻ em trên không gian mạng.

bao-ve-tre-em(1).png
Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hỗ trợ trẻ em Ảnh chụp màn hình

Gần đây, ngày 27/9, lần đầu tiên Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 11 thành viên thuộc Hiệp hội An toàn thông tin VNISA đã ra mắt. Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, với mục tiêu lớn nhất “Vì sự an toàn, hạnh phúc của trẻ em trên không gian mạng”, thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình, Câu lạc bộ sẽ có nhiều hoạt động cụ thể được triển khai để hướng tới mục tiêu này.

Tín hiệu tích cực của các tổ chức này là có sự góp mặt, cam kết hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Đặc biệt hơn, các tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ mạng xã hội và trò chơi trực tuyến như VNPT, Viettel, FPT, TikTok và VinaGame cũng gia nhập vào hệ thống bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, nhiều công ty an ninh mạng như SCS, BKAV, CyRadar cũng tham gia xây dựng các sản phẩm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên internet.

Thông qua hợp tác quốc tế và các đoàn thể xã hội trong nước về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa đã ra đời. Điển hình là quá trình hợp tác với ChildFund tại Việt Nam để xây dựng đề cương bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để tiến tới hoàn thiện, chuẩn hóa thuật ngữ phù hợp với luật pháp, tình hình thực tế tại Việt Nam và thuận lợi cho việc tiếp cận các công ước, quy định quốc tế. Đồng thời, đề cương bộ thuật ngữ cũng được xem là cơ sở, căn cứ đưa vào các văn bản quản lý, văn bản luật pháp, chính sách.

tre-khong-gian-mang(1).jpg
Trẻ em cần được hướng dẫn sử dụng internet an toàn

Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hiện công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế . Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu CSAM, nâng cao nhận thức cho trẻ em, gia đình và nhà trường về bảo vệ bí mật của trẻ trên môi trường mạng, tiến tới hoàn thành các khuyến nghị của Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022.

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Việt Nam bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO