Việc dạy và học phải thực chất để phát triển toàn diện cho học sinh

Thanh Hằng| 12/08/2022 16:39

Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Năm học có nhiều khó khăn

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ hai triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.

Lần đầu tiên, khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND, Sở GD-ĐT một số tỉnh, thành phố và các đơn vị giáo dục đã trình bày tham luận về tình hình triển khai nhiệm vụ cũng như khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành Giáo dục. Ngoài sự tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện nay nhiều địa phương đối diện với tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và giáo viên nghỉ việc vì thu nhập không bảo đảm…

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục đặc biệt là vấn đề biên chế và thu nhập của giáo viên. Giải quyết được những khó khăn này, không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT mà cần sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, tất cả vì mục tiêu đưa ngành Giáo dục phát triển, đáp ứng sự quan tâm và nhu cầu của xã hội.

Để chuẩn bị những điều kiện cho năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Giáo dục là một quá trình liên tục và luôn luôn đổi mới trên tinh thần bám sát Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo. Việc dạy và học phải thực chất để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn vậy, phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học. Việc xây dựng trường chuẩn và các tiêu chí khác phải thực chất, nghiêm túc, kiểm tra việc dạy thêm học thêm, kiểm tra cho điểm, sách tham khảo theo đúng tinh thần "tự nguyện", tránh tình trạng đóng góp theo kiểu "cào bằng".

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD-ĐT lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, ý kiến gửi đến và sẽ xem xét thấu đáo để chỉ đạo công việc sát thực tế, hiệu quả hơn nhất là khi năm học 2022 – 2023 chuẩn bị bắt đầu.

Năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã xác định chủ đề chung là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-tinh/viec-day-va-hoc-phai-thuc-chat-de-phat-trien-toan-dien-cho-hoc-sinh-94529.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-tinh/viec-day-va-hoc-phai-thuc-chat-de-phat-trien-toan-dien-cho-hoc-sinh-94529.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Việc dạy và học phải thực chất để phát triển toàn diện cho học sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO