Vì sao thành phố Gia Nghĩa “đứng đầu” về sốt xuất huyết
TP. Gia Nghĩa có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất tỉnh Đắk Nông. Mặc dù thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống SXH nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Chủ động phòng nhưng vẫn mắc
Tháng 6, trên nhóm zalo chung của khu dân cư, chị Huyền (tên nhân vật đã được thay đổi), phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa nhận được thông báo về xuất hiện những trường hợp đầu tiên phải nhập viện do (SXH).
Cũng như phần lớn những hộ dân khác trong nhóm, thông tin trên chưa khiến chị Huyền quan tâm bởi chỉ có một ca nhập viện và đây cũng được coi là bệnh theo mùa, năm nào cũng lặp lại.
Liên tục sau đó, nhóm zalo của khu dân cư thông báo có nhiều trường hợp khác nhập viện với tình trạng nặng, nhẹ khác nhau. Đến lúc này, các hộ dân nơi chị Huyền sinh sống mới thực sự lo lắng.
Cùng thời điểm này, lực lượng y tế liên tục phun hóa chất phòng, chống dịch, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết đang gia tăng từng ngày.
Chị Huyền cho biết, không chỉ khu dân cư, một số người sinh sống trên cùng tuyến đường với gia đình cũng mắc SXH. Hàng loạt các biện pháp để tự bảo vệ bản thân được thực hiện. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6, chị Huyền có những biểu hiện như sốt nóng lạnh, đau đầu, phát ban… Sau khi đi xét nghiệm, chị Huyền được xác định mắc SXH và phải điều trị 7 ngày.
“Dù đã chủ động phòng, chống nhưng có thể do xung quanh nhiều cây cối nên muỗi sinh sôi, phát triển nhanh và truyền dịch cho người. Đây là lần đầu tiên tôi mắc SXH, cảm giác rất mệt mỏi và khó chịu”, chị Huyền nhớ lại.
Cuối tháng 6, anh Chiến (tên nhân vật đã được thay đổi), phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cũng được xác định mắc SXH. Gần 7 ngày nằm viện điều trị, anh Chiến cho biết, đây là khoảng thời gian “ám ảnh” của anh, giống như thời điểm anh mắc Covid-19 năm 2021.
Anh Chiến kể, một số người trong khu dân cư đã bị nên gia đình anh rất cẩn trọng, chủ động phòng bệnh. Việc anh mắc SXH có thể do lây truyền khi làm việc tại vùng có dịch.
“Cả nhà chỉ có mình tôi mắc SXH. Ngay khi mắc bệnh, tôi đã thông báo với cơ quan y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khu vực sinh sống”, anh Chiến nói.
Vì sao số ca mắc SXH tăng cao?
Theo ngành Y tế, tính đến ngày 13/7, TP. Gia Nghĩa là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất với hơn 1.000 ca bệnh. Mỗi ngày, thành phố ghi nhận thêm từ 5-10 bệnh nhân, cao điểm có ngày ghi nhận đến gần 20 ca.
Phường Nghĩa Trung là địa phương có số lượng ổ dịch và ca mắc SXH đứng đầu thành phố. Đến nay, toàn phường ghi nhận 61 ổ dịch, hiện còn 27 ổ dịch đang hoạt động với 268 ca mắc SXH.
Trước tình hình dịch bệnh, chính quyền địa phương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến từng tổ dân phố, khu dân cư và hộ gia đình.
Bà Đinh Thị Quyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Trung cho biết, là địa phương đang có số ca mắc SXH lớn nên chính quyền địa phương và cán bộ y tế đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chữa bệnh và diệt loăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa phối hợp với lực lượng chức năng trong quá trình phòng, chống dịch.
“Khi chúng tôi đi phun hóa chất diệt muỗi, một số hộ dân không cho phun bên trong nhà. Theo nguyên tắc, chúng tôi phải phun cả bên trong và bên ngoài, nên nếu chỉ phun bên ngoài không thì không đạt hiệu quả tối ưu”, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Trung Đinh Thị Quyên cho hay.
Theo bà Quyên, diệt muỗi bằng hóa chất đạt được hiệu quả cao nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất). Đây cũng là thời điểm người dân tập trung đông nhất ở nhà nên nhiều hộ gia đình “ngại” không cho nhân viên y tế vào bên trong do có đông người, ảnh hưởng tới việc sinh hoạt thường ngày.
Ông Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa nhận định, dịch SXH có diễn biến phức tạp do năm nay mật độ muỗi gia tăng cao hơn những năm trước. Một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu El Nino và La Nina.
“Năm nay tại TP. Gia Nghĩa có mưa sớm, tuy nhiên lượng mưa không lớn, không tập trung vào một thời điểm mà lại rải rác, xen kẽ ngày nắng ngày mưa. Hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi diễn ra rất nhanh. Đến khi muỗi trưởng thành thì chúng sinh sôi, phát triển với mật độ rất cao", ông Sinh nói.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa cho biết, loại muỗi truyền bệnh SXH là muỗi vằn có đặc điểm sinh sản trong các dụng cụ chứa nước.
Trong trường hợp mưa lớn kéo dài, nước trong các dụng cụ chứa nước sẽ tràn ra ngoài, cuốn theo loăng quăng. Khi đó loăng quăng sẽ không thể tồn tại trong môi trường khô ráo nên không thể phát triển thành muỗi. Ở chiều ngược lại, nếu mưa rải rác, mưa không lớn, lại đan xen giữa những ngày nắng, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, trở thành vật trung gian truyền bệnh SXH.
"Theo chu kỳ 5 năm, số ca SXH sẽ có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, chu kỳ này không có tính ổn định do một phần ảnh hưởng từ thời tiết, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu", ông Sinh nói thêm.
Một số hộ dân cho rằng, TP. Gia Nghĩa thiếu sinh phẩm, hóa chất diệt muỗi nên ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch. Trước thông tin này, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông khẳng định, tỉnh Đắk Nông vẫn có đủ nguồn hóa chất và bảo đảm công tác khám, điều trị cho các bệnh nhân.
“Theo nguyên tắc thì mỗi đợt phun cách nhau từ 7-10 ngày. Trong trường hợp có ca dịch hoặc ổ dịch mới thì cán bộ y tế tiếp tục tới phun hóa chất để phòng dịch lây lan ra ngoài cộng đồng. Đến thời điểm này, theo báo cáo của đơn vị chức năng, vật tư, hóa chất và sinh phẩm vẫn bảo đảm”, vị này cho hay.