Vì sao nông sản Đắk Nông vẫn khó vào siêu thị?
Nông sản Đắk Nông được đánh giá có sản lượng lớn, chất lượng tốt, nhưng vẫn đang chật vật tại các kênh phân phối lớn, hiện đại.
Cam kết nhiều, hiệu quả thấp
Thời gian qua, Co.opmart Đắk Nông ký rất nhiều biên bản ghi nhớ và cam kết hợp tác thu mua nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, sản lượng nông sản mà Đắk Nông cung cấp cho siêu thị này vẫn không đạt kỳ vọng.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho biết, cung đường từ TP. Gia Nghĩa tới Trung tâm phân phối Bình Dương của SaigonCo.op chỉ có 130 km. Trong khi, chặng đường từ Bình Dương tới Lâm Đồng xa hơn, nhưng lượng hàng hóa Co.opmart thu mua của Lâm Đồng luôn nhiều hơn so với Đắk Nông. Nguyên nhân là nằm ở khâu logistics, công nghệ bảo quản, vận chuyển của Đắk Nông chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Ông Thảo phân tích, chi phí logistics hiện đang chiếm tới 17% chi phí đầu tư của Co.opmart. Cộng với khâu bảo quản chưa tốt, nên khi tới siêu thị, sản phẩm của Đắk Nông thường hư hỏng, chất lượng hao hụt rất nhiều. Vì vậy, khi tới tay người tiêu dùng, giá sản phẩm phải đội lên rất cao.
Cũng theo ông Thảo, nhu cầu hàng hóa tại chỗ của Co.opmart rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó vẫn là ở chỗ các HTX. Gần như năm nào, các nhà cung ứng của tỉnh cũng được tập huấn, nhưng khi vận hành vào sản xuất, chế biến lại chưa bảo đảm yêu cầu của siêu thị. Bao bì cũng vậy, thường có quy định riêng, nhưng khi các HTX thực hiện ghi thông tin lên đó lại chưa chuẩn.
Khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm cũng còn nhiều điều đáng bàn. Các sản phẩm của Đắk Nông đi ra quảng bá rất nhiều ở các nơi khác, nhưng ngay tại địa phương mình lại không tiếp xúc. “Co.opmart Đắk Nông hiện nằm trong chuỗi 800 điểm bán hàng của SaigonCo.op. Vì vậy, các sản phẩm của tỉnh chỉ cần vào được điểm bán của Đắk Nông thì đã có thể có mặt ở các điểm bán khác trong toàn hệ thống SaigonCo.op của cả nước”, ông Thảo chia sẻ.
Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) Trần Thị Dịu thông tin, doanh nghiệp hiện đang sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao như: thanh hạt dinh dưỡng, sầu riêng, mắc ca, điều… Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị của Công ty ngày càng được hoàn thiện, bao bì sản phẩm được thiết kế bắt mắt. “Công ty mong muốn được đưa hàng hóa vào những kênh phân phối lớn. Bởi đây không chỉ là vấn đề thị trường tiêu thụ, mà còn là vinh dự cho chúng tôi”, bà Dịu bày tỏ.
Cũng theo bà Dịu, Công ty đề nghị các siêu thị cần có hội thảo để hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn Đắk Nông về cách thức, tiêu chuẩn, quy định khi đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối. Các nhà phân phối cũng cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân địa phương xây dựng sản phẩm đạt chuẩn trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp và xuất nhập khẩu DTL (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Công ty hiện có 23 năm làm trong lĩnh vực logistic vận chuyển quốc tế. Sau này, Đắk Nông cần gì liên quan tới lĩnh vực này Công ty sẵn sàng tham gia hỗ trợ.
Các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Đắk Nông nếu có nhu cầu về việc hỗ trợ công nghệ thông tin thì liên hệ ngay với Công ty. Công ty cam kết hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX của tỉnh về cách làm sao cho đạt được các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn hiệu.
Thời gian qua, Co.opmart Đắk Nông đã làm việc với 25 HTX của tỉnh Đắk Nông, nhưng đến hiện tại chỉ thu mua được sản phẩm của 5 HTX. Các HTX này đáp ứng được số lượng hàng hóa, nhưng cũng rất vất vả trong khâu hướng dẫn về ghi bao bì, công bố chất lượng sản phẩm, cách tính giá thành…