Vì sao Đắk Nông khó rà soát đất lâm nghiệp bị lấn chiếm?
Việc rà soát, xử lý diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Đắk Nông được đánh giá chậm và chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan.
Huyện Krông Nô có hơn 6.800 ha đất chưa có rừng, do địa phương quản lý. Những diện tích này có nguồn gốc từ các Công ty lâm nghiệp giao về. Tất cả diện tích này đã bị người dân lấn, chiếm.
Sau khi UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo, huyện Krông Nô đã thành lập tổ công tác để rà soát diện tích đất này. Huyện đã rà soát được hơn 6.100 ha lấn chiếm trước 1/7/2014 và hơn 770 ha lấn chiếm sau 1/7/2014. Hiện UBND huyện Krông Nô đang lập phương án sử dụng đất đối với diện tích thu hồi các nông, lâm trường giao về cho địa phương quản lý.
Krông Nô là địa phương triển khai công tác rà soát tốt nhất tại các đơn vị cấp huyện của Đắk Nông. Công tác rà soát đất có nguồn gốc nông, lâm trường giao về địa phương quản lý tại các địa phương khác rất chậm.
Tại Tuy Đức, diện tích rà soát là hơn 5.400 ha trong tổng số hơn 7.400 ha (chiếm khoảng 74%). Ở Đắk Glong, huyện đã rà soát hơn 1.545 ha trong tổng số 12.280,97 ha đất bị lấn chiếm (khoảng 12,5%). Đắk Song thì chưa rà soát được diện tích nào trong tổng số hơn 2.600 ha…
Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, toàn tỉnh có hơn 29.500 ha đất thu hồi từ các Công ty lâm nghiệp, giao địa phương quản lý. Phần lớn các diện tích này đã bị người dân lấn chiếm.
Để quản lý tốt hơn vấn đề lâm nghiệp, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai rà soát hiện trạng các diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn. Qua việc nắm được hiện trạng, các đơn vị, địa phương phân loại đối tượng, lập phương án xử lý.
Nhưng kết quả mang lại không như kỳ vọng. Sau nhiều năm, các đơn vị cấp huyện mới rà soát được hơn 14.400 ha (đạt khoảng 49%).
Các địa phương có diện tích đất lâm nghiệp cần rà soát lớn như Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song... nhưng kết quả rà soát còn rất khiêm tốn. Nhiều diện tích đã rà soát nhưng chưa xác định được thời điểm lấn chiếm, chủ thể lấn chiếm để lập phương án xử lý.
Việc rà soát, xử lý tồn tại liên quan đến diện tích giao khoán theo Nghị định 135 và các dự án liên doanh liên kết (của các Công ty Lâm nghiệp giải thể) còn chậm hơn. Mới chỉ có hơn 2.440 ha trong tổng số trên 8.900 ha được rà soát (chiếm 27%).
Các huyện cho rằng, việc rà soát gặp khó khăn vì qua nhiều năm, hiện trạng các khu đất đã thay đổi, thậm chí được mua bán (bằng giấy viết tay) nhiều lần. Trong khi đó, nhân lực và kinh phí hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT lại cho rằng việc rà soát, xử lý chậm chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Hầu hết các địa phương chưa thực sự quan tâm, thậm chí có phần e ngại, né tránh nhiệm vụ này.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Quang Dần cho rằng: Nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương đã được giao rất cụ thể tại Quyết định 2159 (năm 2018) và Quyết định 500 (năm 2019) của UBND tỉnh. Cùng một nhiệm vụ nhưng có đơn vị thực hiện tốt, mang lại kết quả tích cực. Còn các địa phương thực hiện chậm hoặc không thực hiện thì phải xem lại trách nhiệm của mình.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, các đơn vị, địa phương chưa thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ rà soát đất có nguồn gốc nông lâm trường và giao khoán. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệm vụ được giao và mục tiêu của tỉnh.
“Các sở, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm trong việc rà soát, xử lý các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mới có chuyển biến”, đồng chí Lê Trọng Yên nhấn mạnh.