Đời sống

Vẹn nguyên giá trị đạo hiếu

Hoàng Bảo 30/08/2023 05:00

Chữ hiếu là một nét đẹp trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam. Dù thời xưa hay thời nay, chữ hiếu luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ.

h2.jpg
Trong gia đình bà Hương, con cái, cha mẹ luôn gần gũi, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.

Quan tâm, chăm sóc phù hợp với điều kiện

Theo quan niệm xưa, con cái phải ở gần cha, mẹ, để mỗi khi cha, mẹ già yếu, ốm đau thuận tiện chăm sóc, phụng dưỡng. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, quan niệm báo hiếu đã khác. Con cái có thể ra ở riêng và thể hiện sự quan tâm đến cha, mẹ bằng nhiều cách khác nhau.

Chị Cao Thị Nguyên, xã Đắk Lao (Đắk Mil), sau khi lập gia đình, hai vợ chồng liền ra ở riêng. Mặc dù không sống dưới một mái nhà, nhưng hàng ngày, chị đều ghé qua để xem tình hình ăn uống, sinh hoạt, sức khỏe của cha, mẹ. Ngày cuối tuần, chị đưa các con qua chơi cùng ông, bà. Vào dịp lễ, tết, sinh nhật, chị lại đón ông, bà qua chơi, chung vui, quây quần cùng con cháu.

Chị Nguyên cho rằng, mỗi thời mỗi khác, nên quan niệm về báo hiếu cha, mẹ sẽ không giống nhau. Theo chị Nguyên, báo hiếu không đồng nghĩa là con cái phải luôn bên cạnh để quan tâm, chăm sóc cha, mẹ từng giờ, từng ngày. Bởi con cháu còn có công việc của mình, phải chăm lo cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Vì vậy, lúc cha, mẹ ốm đau, có việc, trừ trường hợp bất đắc dĩ, còn lại, vợ chồng chị đều có mặt đông đủ để phụ giúp, lo toan.

“Khi cha bệnh, không trực tiếp chăm sóc được nhiều, tôi thường xuyên gọi điện, thăm hỏi, động viên về tinh thần để cổ vũ cha mình. Theo tôi, báo hiếu chính là mình sống tốt cuộc đời của mình để cha, mẹ yên vui, không phiền lòng và biết quan tâm, giúp đỡ người khác. Anh chị em trong một gia đình cần phải đoàn kết, hòa thuận, sẻ chia và cảm thông cho nhau”, chị Nguyên cho biết.

h1.jpg
Dù không trực tiếp chăm cha lúc ốm đau, nhưng chị Nguyên luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên cổ vũ cha cố gắng chiến thắng bệnh tật.

Tạo tiếng cười vui vẻ cho cha, mẹ

Bà Ngô Thị Hương, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) cho rằng, báo hiếu cha, mẹ tốt nhất chính là luôn quan tâm, động viên, tạo ra nhiều tiếng cười, hạnh phúc.

Bà Hương kể, bà may mắn khi có những người con luôn hiếu thuận, biết quan tâm, chia sẻ với cha, mẹ trong công việc, cuộc sống, lúc vui cũng như lúc buồn. Đặc biệt, mỗi dịp lễ, tết, các con trai, con dâu, cháu nội đều quây quần, gửi tặng ông bà những món quà đơn giản, nhưng ý nghĩa, ấm cúng. Con cái dù sống gần nhau, nhưng luôn hòa thuận, em ngã thì anh nâng, chị buồn thì em động viên, chia sẻ. Vì vậy, nhiều năm nay, gia đình bà luôn đầy ắp tiếng cười. Bà như trẻ ra thêm nhiều tuổi. Đó chính là sự hiếu thuận lớn nhất.

Bà Hương cho biết: “Với các bậc làm cha, làm mẹ không cần con mình phải mua cho mình cái này, cái kia, giá trị cao mà chỉ cần những món quà xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương chân thật. Tôi cho rằng, con cái thì phải biết chăm lo, vun vén cho hạnh phúc cá nhân và tạo những niềm vui nho nhỏ, mang tiếng cười cho cha, mẹ đó chính là báo hiếu”.

Cha mẹ buồn khi con cái không hiếu thuận

Bên cạnh những gia đình hạnh phúc, ấm êm, đầy ắp tình yêu thương, sự quan tâm đối với cha, mẹ, người có công ơn sinh dưỡng thì vẫn có những gia đình con cái chưa làm tròn đạo hiếu với ông, bà, cha, mẹ.

Trong xã hội hiện đại, một bộ phận con cái không nghe lời ông, bà, cha, mẹ, làm những việc đi ngược lại với truyền thống gia đình, xã hội. Thời gian vừa qua, nhiều trang báo, mạng xã hội đã có những bài viết kể về việc con cái đánh đập, đuổi cha, mẹ ra khỏi nhà chỉ vì những mâu thuẫn bất hòa liên quan đến tiền bạc, tranh giành tài sản, đất đai. Cũng có trường hợp là con cái tuy còn nhỏ, nhưng mê vào tệ nạn đỏ đen, game, cá độ... dẫn đến lừa cha, lừa mẹ bán nhà cửa, cầm cố xe cộ để trả nợ...

Điều này đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, với chữ đạo hiếu của dân tộc. Những trường hợp này chính là nguyên nhân dẫn đến gia đình bất hòa, cha, mẹ, con cái không nhìn mặt nhau. Cuộc sống của người cha, người mẹ dường như không còn niềm vui, thay vào đó là sự trăn trở, suy tư, âu lo, thất vọng. Nhiều trường hợp cha, mẹ chỉ vì xích mích với con cái để rồi có nhà cũng không được ở...

Chữ hiếu mãi vẹn nguyên giá trị

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Nông, xã hội ngày xưa hay ngày nay thì “chữ hiếu” vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó không chỉ là sự quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; lòng yêu thương, kính trọng bậc sinh thành, mà còn là sự phấn đấu thành đạt, yên bề gia thất để cha mẹ yên lòng.

quang-minh(1).jpg

Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình, việc báo hiếu, quan tâm cha mẹ cũng khác nhau. Gia đình có điều kiện thì mỗi dịp lễ, tết, con cháu sum vầy, tặng quà, chúc sức khỏe ông bà, cha, mẹ. Gia đình khó khăn thì một câu chúc, lời động viên thăm hỏi, thể hiện sự quan tâm đối với đấng sinh thành là đủ. Dù sao đi nữa, làm cho ông, bà, cha, mẹ luôn vui vẻ, yên lòng, luôn cười rạng rỡ thì đó chính là báo hiếu.

“Việc báo hiếu xuất phát từ cái tâm, cái đức, cái tình của con, cháu đối với đấng sinh thành. Theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, cha mẹ không thể ở với chúng ta đến suốt cuộc đời. Do đó, là người con thì hãy làm cho cha mẹ vui khi còn ở trên cuộc đời”, ông Quang quan niệm.

Theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực của các thành viên trong gia đình thì xã hội chiếm vai trò rất lớn trong việc phát huy lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Tại Việt Nam đã có Luật Người cao tuổi, Luật Hôn nhân Gia đình đề cập đến việc con cái phụng dưỡng, hiếu thảo với cha mẹ. Nhiều tổ chức xã hội như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng có nhiều hoạt động liên quan đến báo hiếu ông, bà, cha, mẹ.

Tuy nhiên, công tác giáo dục chữ đạo hiếu đối với thế hệ trẻ ngày nay còn hạn chế. Do đó, các trường học cần lồng ghép nhiều hơn chương trình giáo dục về lòng hiếu thảo. Con cái cũng cần bàn bạc, thảo luận, trao đổi, chia sẻ với cha, mẹ về công việc, cuộc sống, tài chính và ngược lại để tìm được tiếng nói chung, cũng như hiểu, thông cảm và hài lòng về nhau hơn.

1 Bình luận
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Vẹn nguyên giá trị đạo hiếu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO