Về quê lập nghiệp trồng nấm, anh nông dân ở Gia Lai kiếm bộn tiền

PV| 02/08/2023 15:04

Với diện tích 2.000 m2, mỗi ngày, trang trại nấm của anh Đoàn Công Tiến (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cung ứng ra thị trường 1 tạ nấm bào ngư xám.

Từ trang trại này, anh Tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 81, liên kết với nông dân trồng nhiều loại nấm sạch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Tiến cho biết: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh), anh làm việc tại một doanh nghiệp với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vì không muốn sống xa gia đình, anh quyết định trở về quê lập nghiệp.

Về quê lập nghiệp trồng nấm, anh nông dân ở Gia Lai không những kiếm bộn tiền cho mình mà còn giúp bao người - Ảnh 1.

Anh Đoàn Công Tiến trao đổi với thành viên HTX Nông nghiệp 81 về kỹ thuật trồng nấm bào ngư xám. Ảnh: P.N

Sau khi tìm hiểu một số mô hình kinh tế, anh Tiến quyết định khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Từ số vốn ban đầu là 50 triệu đồng, anh đầu tư nhà trồng nấm thử nghiệm. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay, anh sở hữu trang trại trồng nấm với diện tích 2.000 m2. Theo anh Tiến, nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, giàu chất xơ và đạm nên được nhiều người ưa chuộng. Về kỹ thuật, ở khâu nguyên liệu nên chọn các loại phụ phẩm nông nghiệp như: mùn cưa của cây cao su, cám gạo, cám bắp, cùi bắp nghiền. Sau đó, nguyên liệu được trộn với vôi bột để diệt khuẩn và đảm bảo độ ẩm đạt 60-70%.

Ngoài ra, lò hấp phải được khử trùng với nhiệt độ 100 độ C, khu vực cấy mô đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Riêng khu vực ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại nấm luôn giữ ở mức 25-30 độ C. “Trồng nấm không quá khó về kỹ thuật và cũng không mất nhiều công chăm sóc. Khi nấm bắt đầu mọc, người trồng tiến hành tưới phun sương, lưu ý là chỉ sử dụng nước sạch. Khoảng 1 tuần sau nấm có thể cho thu hoạch”-anh Tiến chia sẻ.

Để đảm bảo ổn định đầu ra, anh Tiến bố trí xoay vòng các đợt ủ phôi để có thể thu hoạch đều quanh năm. Nấm từ lúc ươm đến lúc cấy giống khoảng 45 ngày, thời gian thu hoạch là 4 tháng, giá bán 40-50 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, anh bán ra thị trường 1 tạ nấm bào ngư xám. Thị trường tiêu thụ chính là các chợ, Siêu thị Co.op Mart Pleiku, cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh và các địa phương như: Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Định.

Sau khi thành công từ trồng nấm bào ngư xám, anh Tiến tiếp tục nghiên cứu trồng nấm linh chi đỏ trên giá thể. Mỗi năm, anh xuất ra thị trường 3 tạ nấm linh chi đỏ với giá 1 triệu đồng/kg.

Về quê lập nghiệp trồng nấm, anh nông dân ở Gia Lai không những kiếm bộn tiền cho mình mà còn giúp bao người - Ảnh 2.

Sản phẩm nấm linh chi đỏ của anh Đoàn Công Tiến đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Phạm Ngọc

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: Mô hình liên kết trồng nấm của HTX Nông nghiệp 81 mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đây cũng là mô hình mẫu để thanh niên địa phương và các địa bàn lân cận đến tham quan, tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm ăn.

Từ thành công của bản thân, anh Tiến đã hỗ trợ các hộ dân tại địa phương cùng trồng nấm. Năm 2018, HTX Nông nghiệp 81 do anh Tiến làm Giám đốc được thành lập. Hiện HTX có 20 thành viên là nông dân ở các huyện: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Tham gia HTX, các thành viên có sự liên kết và được hỗ trợ từ khâu chọn phôi nấm, kỹ thuật chăm sóc cho đến thu mua sản phẩm, giới thiệu thị trường tiêu thụ. Tất cả sản phẩm nấm của HTX được đăng ký bảo hộ độc quyền với thương hiệu 81farm.

Nhận thấy trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Ngọc Phúc (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ) đã tham gia HTX và xây nhà trồng nấm. Sau 1 năm, cơ sở trồng nấm bào ngư xám của anh đã cho thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Anh Phúc cho hay: “Tôi được anh Tiến hỗ trợ về phôi trồng, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Khi tham gia HTX, tôi và các thành viên có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nấm thương phẩm đảm bảo đúng kỹ thuật, chất lượng, ổn định giá cả”.

Ngoài trồng nấm bào ngư xám, trang trại của anh Tiến còn sản xuất phôi nấm, chả nấm và snack nấm tự nhiên. Mô hình nấm sạch giúp anh thu về mỗi năm 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí và giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương với mức lương 5,5-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Tiến đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 và năm 2021 là nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư xám.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, anh Tiến bộc bạch: “Mong muốn lớn nhất của tôi là HTX Nông nghiệp 81 mở rộng quy mô trang trại. Ngoài sản xuất sản phẩm chính là nấm bào ngư xám và nấm linh chi đỏ, chúng tôi dự định sản xuất thêm một số loại nấm nữa để đa dạng sản phẩm”.

Theo trangtraiviet.danviet.vn
https://trangtraiviet.danviet.vn/ve-que-lap-nghiep-trong-nam-anh-nong-dan-o-gia-lai-khong-nhung-kiem-bon-tien-cho-minh-ma-con-giup-bao-nguoi-20230802071042896.htm
Copy Link
https://trangtraiviet.danviet.vn/ve-que-lap-nghiep-trong-nam-anh-nong-dan-o-gia-lai-khong-nhung-kiem-bon-tien-cho-minh-ma-con-giup-bao-nguoi-20230802071042896.htm

    Nổi bật

        Mới nhất
        Về quê lập nghiệp trồng nấm, anh nông dân ở Gia Lai kiếm bộn tiền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO