Chính trị

Về Nâm Nung gặp nhân chứng lịch sử năm xưa

H.Nhi 02/05/2023 12:57

Nằm trong tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa”, căn cứ địa Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) nổi danh với những huyền thoại đi vào lịch sử.

Nâm Nung “địa lợi” tập hợp “nhân hoà”

Những ngày cuối tháng 4, dưới tiết trời oi ả của Tây Nguyên, chúng tôi có dịp trở lại xã Nâm Nung theo chân người dẫn đường Y San-Knul (SN 1964, trú huyện Krông Nô) để nghe về câu chuyện lịch sử, khám phá vùng đất anh hùng này.

h1.jpg
Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV

Khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung là địa danh đã đi vào huyền thoại, gắn liền nhiều chiến thắng lịch sử trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vốn nơi đây sở hữu rừng rậm nguyên sinh có địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, đỉnh cao nhất 1.546m so với mực nước biển, tạo thế liên hoàn theo hướng Đông Nam.

Là người đồng bào ÊĐê sinh sống trên địa bàn, ông Y San cho biết, tại xã Nâm Nung có đa dạng dân tộc anh em cùng sinh sống như M’Nông, ÊĐê, Kinh, Tày, Nùng, Thái,... Trong đó, người bản địa M’Nông là tộc người sống lâu đời nhất. Từ thế kỷ xa xưa đến thời kỳ cận đại, người M’Nông vùng căn cứ Nâm Nung là dân tộc có truyền thống bất khuất chống xâm lược, họ luôn gìn giữ cuộc sống độc lập tự do, bảo vệ bon (buôn) rẫy, quê hương.

h2.jpg
Đồng bào M’Nông tại xã Nâm Nung

Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do N'Trang Gưh lãnh đạo (1900-1914), và đỉnh cao phong trào chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của N'Trang Lơng (1912-1936) giành được nhiều chiến thắng vang dội. Đồng thời, N’Trang Lơng cũng là vị lãnh đạo chỉ huy xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết, thuộc núi Nâm Nung. Sau này, trở thành nơi trú ẩn, tập hợp và huấn luyện lực lượng quân đội.

Tháng 10/1931, nhận thấy phong trào chống thực dân Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo ngày càng mạnh mẽ, quân Pháp dồn lớn lực lượng nhằm tiêu diệt phong trào. Trước tình thế bất lợi, để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân quyết định rút sâu về dãy núi Nâm Nung lập căn cứ. Tại đây, các giếng chông, hầm chông, bẫy đá,... được đào và dựng lên tạo thành địa bàn "bất khả xâm phạm". Đồng thời kêu gọi bà con bất hợp tác với giặc Pháp, đoàn kết tham gia kháng chiến.

Theo các giai đoạn lịch sử, căn cứ kháng chiến Nâm Nung lại tiếp tục trở thành địa thế vững chắc cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), địa bàn Nâm Nung lại một lần nữa là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Đức, huyện ủy Đức Lập, nơi xây dựng thực lực cách mạng, tổ chức nhiều đợt tiến công đánh địch góp phần thắng lợi chung trong cuộc giải phóng miền Nam, góp phần to lớn cùng chung sức, đánh bại kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Căn cứ địa Nâm Nung được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2005. Các di tích quan trọng đều đang được đầu tư phục dựng, tôn tạo. Sống tại vùng đất là “cái nôi” cách mạng, bà con M’Nông một lòng hướng về Đảng, răn dạy con cháu ghi nhớ công ơn các anh hùng, phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước”, ông Y San tự hào.

Năm tháng hào hùng

Trở về sau những năm tháng phục vụ cách mạng rồi tham gia xây dựng chính quyền tại huyện Krông Nô, nhiều năm nay, cựu chiến binh Y Bliêng (SN 1950, tên thường gọi Ama Tuyết) vẫn được người dân tin yêu, trở thành già làng, có tiếng nói trong đời sống văn hóa cộng đồng. Già làng Y Bliêng cùng vợ con sống trong ngôi nhà xây cấp 4 tại buôn 9, xã Đắk Drô (huyện Krông Nô).

h3.jpg
Cựu chiến binh Y Bliêng

Trong căn nhà nhỏ, người cựu chiến binh năm xưa trang trọng, tự hào treo những tấm bằng khen, huân chương kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1964, khi mới tròn 14 tuổi, Y Bliêng xung phong lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ giao liên. Sau đó tham gia vào lực lượng du kích Nâm Nung, hoạt động chủ yếu tại tỉnh Quảng Đức, trực tiếp góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Lật lại từng kỷ vật, nhớ về ký ức sau những năm tháng tham gia phục vụ cách mạng, ông Y Bliêng bồi hồi: “Từ năm 1965-1968, đế quốc Mỹ thực hiện Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, trong đó có chiến trường Nam Tây Nguyên. Khoảng thời gian ấy, cùng với quân và dân miền Nam, đồng bào dân tộc M’Nông, ÊĐê từ cụ già đến các cháu thiếu niên đều tham gia phong trào nhân dân du kích chiến tranh, xây dựng bon, buôn chiến đấu nhằm giữ được tuyến hành lang trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

Người người, nhà nhà đều thi đua vót chông làm mang cung, cạm bẫy, thực hiện rào làng chiến đấu chống địch. “Cuộc sống trong rừng gian khổ lắm, không đủ cơm ăn, áo mặc, bị muỗi đốt khắp người. Dù vậy, chúng tôi vẫn chiến đấu quyết liệt trong suốt 3 ngày 3 đêm, nằm vùng bắn máy bay địch từ 6h sáng đến 4h chiều. Nhóm gồm 6 người chia ra 3 tổ, cách vị trí nhau khoảng 300-400m, đánh du kích theo 3 mũi hình chữ V. Trận đấy, chúng tôi đã bắn hạ, tiêu diệt được 3 chiếc máy bay Mỹ thuộc các khu vực Yang Gar (Cánh đồng Na Trao hiện nay); khu vực sông Krông Nô (Ea Si Nô); khu vực Dốc con trâu”, cựu chiến binh Y Bliêng xúc động xen lẫn tự hào.

Giọng ông Y Bliêng trầm buồn và lắng xuống khi nhắc đến đồng đội của mình đã hi sinh năm đó, ông chia sẻ: “Bon 9 là bon anh hùng, 9 người đã hi sinh, có cả bộ đội và du kích. Tất cả chúng tôi cứ chiến đấu, không hề sợ hãi hay bỏ chạy”. Sau khi giải phóng đất nước, ông Y Bliêng trở về công tác trong chính quyền địa phương với nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn những giá trị truyền thống của cộng đồng người M’Nông.

Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, trên địa bàn xã có 126 trường hợp là người có công với đất nước được hưởng trợ cấp. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền xã thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay các khu di tích lịch sử, nhất là Khu căn cứ kháng chiến B4-liên tỉnh IV, Nhà Bia ghi danh 40 liệt sĩ dân tộc thiểu số hi sinh trong kháng chiến đều đang được đầu tư xây dựng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là điểm di sản, phục vụ du khách trên hành trình về nguồn.

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ve-nam-nung-gap-nhan-chung-lich-su-nam-xua-post1530696.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/ve-nam-nung-gap-nhan-chung-lich-su-nam-xua-post1530696.tpo

    Nổi bật

        Mới nhất
        Về Nâm Nung gặp nhân chứng lịch sử năm xưa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO