Nông nghiệp - Nông thôn

Vất vả quản lý vật tư nông nghiệp

Hồng Thoan 04/07/2023 06:01

Hằng năm, nông dân Đắk Nông tiêu thụ lượng lớn vật tư nông nghiệp (VTNN) như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng việc kiểm soát chất lượng các loại vật tư này còn nhiều khó khăn.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra 3 xe ô tô tải, 5 đại lý kinh doanh phân bón và tạm giữ 79,55 tấn phân bón giả. 

Qua xác minh, số phân bón này do Công ty Cổ phần Quốc tế nông nghiệp Sài Gòn Xanh (Long An) sản xuất, phân phối đi các tỉnh để tiêu thụ...

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh VTNN giả, kém chất lượng được phát hiện cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua.

Đắk Nông có tổng diện tích trồng trọt trên 315.500 ha cây hằng năm và lâu năm. Quá trình sản xuất, người dân sử dụng nhiều loại VTNN để chăm sóc cây trồng.

Hầu hết, sử dụng VTNN phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của đại lý, cửa hàng kinh doanh chứ không rõ chất lượng ra sao.

Bà Triệu Thị Mùi ở thôn 4, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho hay, gia đình  bà có 5 sào lúa. Mỗi khi phát hiện sâu bệnh gây hại trên lúa, bà đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ.

Khi đến mua thuốc của các cửa hàng bán VTNN, bà được giới thiệu nhiều loại thuốc khác nhau. Bà thường mua thuốc dựa vào quảng cáo, giới thiệu chứ không biết sản phẩm nào bảo đảm chất lượng.

Theo bà Mùi, người dân còn mù mờ về chất lượng các loại VTNN. Việc quản lý VTNN ở khu vực nông thôn cũng còn rất hạn chế.

Nhiều người còn có tâm lý ham giá rẻ mà ít quan tâm đến các tiêu chuẩn chất lượng VTNN, nên sử dụng sản phẩm kém chất lượng, hàng giả. Điều này gây thiệt hại lớn cho sản xuất.

dsc_0598(1).jpg
Người dân còn ít quan tâm đến chất lượng vật tư nông nghiệp

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong cho biết, trên địa bàn có 70 cơ sở kinh doanh VTNN. Các cơ sở này hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, số ít là doanh nghiệp, HTX.

Quy mô các cơ sở này nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định. Do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. 

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, toàn tỉnh hiện có 311 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 449 cơ sở kinh doanh phân bón.

Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn các huyện, thành phố rất nhiều, nhưng chủ yếu thuộc diện nhỏ lẻ nên khó quản lý.

Năng lực quản lý Nhà nước lĩnh vực này còn hạn chế. Công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các sở, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động, thiếu quyết liệt.

Hiện nay, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh VTNN còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều…

Mặt khác, các địa phương chưa chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.

Nhiều nơi người dân vẫn có thói quen sử dụng VTNN tùy tiện, không tìm hiểu kỹ từng loại để phù hợp với cây trồng. Điều này làm cho việc kiểm soát chất lượng VTNN càng khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý VTNN, các cấp, ngành, đoàn thể, hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm cho cả người kinh doanh và nông dân.

dsc_0151(1).jpg
Đắk Nông hiện có 311 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Cũng theo ông Anh, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng VTNN an toàn, hiệu quả trong sản xuất, chăm sóc cây trồng.

Thông tin cụ thể về các loại VTNN bị cấm sử dụng, loại khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam sẽ được phổ biến rộng rãi để người dân nắm bắt.

Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, công thương... thành lập đoàn kiểm tra về VTNN, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Vất vả quản lý vật tư nông nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO