Đời sống

Văn hóa truyền thống trong đời sống mới ở Đắk Glong

Mỹ Hằng 19/09/2023 05:48

Huyện Đắk Glong gắn bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân.

Huyện Đắk Glong hiện có 30 dân tộc anh em sinh sống. Để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Đắk Glong đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bằng nhiều hình thức, nhất là trong vùng đồng bào DTTS.

Địa phương quan tâm, phát huy vai trò của đội ngũ những người uy tín, già làng, nghệ nhân trong bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang ma và lễ hội.

Để tạo môi trường cho hoạt động văn hóa dân gian được duy trì, phát triển, hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc, Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, hội thi, hội diễn cấp huyện, xã với các hoạt động như làm rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, hát dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, bắn nỏ, đẩy gậy…

Tại Trường phổ thông DTNT THCS & THPT Đắk Glong tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa cồng chiêng, hát dân ca vào sinh hoạt để hướng học sinh vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tại xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ cồng chiêng. Qua đó, môi trường văn hóa có điều kiện phát triển lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc.

hinh1-3-2-(1).jpg
Việc phục dựng các lễ hội của người Mạ được huyện Đắk Glong chú trọng thực hiện.

Hiện nay, 61/61 thôn, bon, bản trên địa bàn huyện Đắk Glong đều có nhà văn hóa cộng đồng. Nơi đây không chỉ hội, họp mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức các ngày lễ, giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân. Đắk Glong còn phối hợp tổ chức mở các lớp truyền dạy cồng chiêng; thành lập các câu lạc bộ, đội cồng chiêng thu hút người dân, nhất là thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt. Một số điểm du lịch như Tà Đùng Top View, Nhà Chú Đông… tổ chức các đội cồng chiêng, đội múa biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Hồ Tà Đùng.

Là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là “Tà Đùng - Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, Đắk Glong ban hành Nghị quyết về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Đắk Glong".

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện được gìn giữ, phát huy. Số lượng khách du lịch đến với Đắk Glong ngày một tăng, nhất là các dịp lễ, tết. Hiện nay, huyện đang tập trung bảo tồn văn hóa các dân tộc: Mạ, M’nông, Mông và tiến hành tổ chức mở các lớp học tập, nghiên cứu, truyền dạy, tìm hiểu các giá trị về văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Qua đó, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết cho hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ và người dân”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa truyền thống trong đời sống mới ở Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO