Văn hóa

Văn hóa - Sức mạnh mềm phòng, chống diễn biến hòa bình ở Đắk Nông

H'Lai 20/12/2024 08:29

Xây dựng, bồi đắp văn hóa để nâng cao hiệu quả phòng, chống diễn biến hòa bình. Đây cũng là cách mà Đắk Nông đang triển khai để bảo vệ anh ninh chính trị, trật an toàn xã hội

Bồi đắp văn hóa ở cộng đồng

Đắk Nông là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, văn hóa đa dạng, phong phú. Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn tăng cường sự gắn bó cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở cũng giúp phổ biến tri thức và nâng cao nhận thức xã hội.

dsc_127.jpg
Đắk Nông có 32 câu lạc bộ thường xuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian. (Trong ảnh: Thành viên nữ Đội văn nghệ dân gian liên bon Bu Đắk và Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil thường xuyên luyện tập, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương)

Phát triển văn hóa, vì thế, không chỉ là nhiệm vụ lâu dài mà còn là chiến lược "phòng thủ mềm" hiệu quả trong công cuộc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa các âm mưu diễn biến hòa bình.

Theo Sở VH-TT & DL Đắk Nông, từ năm 2023 đến nay, ngành Văn hóa tỉnh đã triển khai hàng trăm hoạt động, chương trình văn hóa, nghệ thuật và tuyên truyền văn hóa tại các địa phương.

Việc tuyên truyền được chú trọng, tập trung vào những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

dsc_148.jpg
Toàn tỉnh có hơn 190 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc. (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban, buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút thổi M

Lãnh đạo Sở VH-TT & DL Đắk Nông đánh giá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp gắn kết cộng đồng mà còn tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ trước các âm mưu diễn biến hòa bình.

Trong 2 năm qua, Đắk Nông đã tổ chức hơn 200 cuộc tuyên truyền chuyên đề về lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc tại các trường học và trung tâm cộng đồng.

Thông qua các cuộc tuyên truyền này hàng ngàn học sinh và người dân đã được trang bị kiến thức về lịch sử quê hương, những giá trị văn hóa đặc sắc và cách nhận diện các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Chị Thị Năm, bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp cho biết, nhờ được tuyên truyền, chị đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chị không chỉ tự hào về nguồn gốc của mình mà còn biết cảnh giác trước những thông tin có mục đích chia rẽ đoàn kết dân tộc.

thi-nam(1).jpg
Chị Thị Năm (bên trái hàng đầu), bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp biểu diễn tiết mục văn nghệ truyền thống của người M'nông tại một sự kiện văn hóa

Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã trở thành nòng cốt trong việc tạo nên sự đồng lòng trong cộng đồng ở Đắk Nông.

Tính đến cuối năm 2023, có hơn 85% gia đình tại Đắk Nông đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", trong đó nhiều thôn, bon đã trở thành hình mẫu trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống.

Bà Bùi Thị Minh, bon R'Bút xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau về cách ứng xử, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị giúp chúng tôi gắn bó với nhau nhiều hơn".

Cùng với công tác tuyên truyền, báo chí và các phương tiện truyền thông ở Đắk Nông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng phòng tuyến văn hóa cho tỉnh.

img_4037(1).jpg
Xây dựng, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc được tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú trọng (Ảnh: Nguyễn Nam)

Báo chí, truyền thông đã thường xuyên thông tin tích cực, quảng bá các giá trị văn hóa để phản bác các luận điệu sai trái. Trong đó, từ năm 2020 đến nay, Báo Đắk Nông đã xuất bản khoảng 1.000 bài viết về bảo vệ văn hóa, dân tộc. Trong đó có nhiều bài viết phản ánh chân thực đời sống của người dân và nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa.

Ngoài ra, các hoạt động nghệ thuật truyền thống như hát then, dân ca, các lễ hội truyền thống... được tỉnh tổ chức thường xuyên. Các hoạt động này không chỉ tạo sân chơi cho người dân mà còn giúp lan tỏa các giá trị văn hóa cao đẹp.

Phát triển văn hóa sâu rộng

Những năm qua, hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa ở Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tỉnh đã xây dựng được không gian văn hóa chứa đựng nhiều giá trị bản sắc đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên.

Qua đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, không gian văn hóa Đắk Nông bước đầu đã được khai thác để phát triển du lịch và tạo ra lá chắn quan trọng trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

le-hoi(1).jpg
Đắk Nông hiện có 165 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc

Đắk Nông hiện có 15 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được Nhà nước xếp hạng, trong đó gồm 1 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 6 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 165 lễ hội và nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh đã phục dựng 53 lượt lễ hội, nghi lễ truyền thống; 38 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng; 4 câu lạc bộ đàn tính, hát then đang duy trì hoạt động thường xuyên.

Đặc biệt, cuối năm 2020, UNSECO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu UNSECO Đắk Nông. Đây là không gian chứa đựng nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc trưng của vùng đất Đắk Nông, bước đầu đã được khai thác để phát triển du lịch sinh thái, địa chất, văn hóa.

Đến ngày 1/7/2024. Công viên địa chất Đắk Nông đã thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất, năm 2023 và chính thức được công nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, giai đoạn 2024-2027.

Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 202.300 người dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (M’nông, Mạ, Ê đê) có hơn 13.900 hộ, với 66.500 người.

Tỉnh đã và đang tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận cũng như các tổ chức quốc tế để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa.

Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Nông trong xây dựng quê hương, đất nước” diễn ra ngày 16/2/2023, đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy khi đó nhấn mạnh, diễn biến hòa bình là thách thức, nhưng nếu biết cách biến văn hóa thành một phòng tuyến kiên cố, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ này.

dsc_9499(1).jpg
Đắk Nông xác định xây dựng phòng tuyến văn hóa kiên cố để ứng phó với diễn biến hòa bình (Ảnh: Y Krắk)

Xây dựng phòng tuyến văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà cần sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Đắk Nông, với những nỗ lực đáng ghi nhận, đang dần khẳng định vị thế như một điển hình trong việc chống lại diễn biến hòa bình bằng sức mạnh văn hóa. Đây chính là cách để bảo vệ giá trị cốt lõi của dân tộc, giữ gìn sự bình yên và phát triển bền vững cho tỉnh nhà.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa - Sức mạnh mềm phòng, chống diễn biến hòa bình ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO