Thời sự

Văn hóa người làm báo: Bắt đầu từ việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”

Đức Diệu 21/06/2023 05:00

Để đánh giá văn hóa của một người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 6 tiêu chí, trong đó, tiêu chí thứ 4 là “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Đây là một trong những tiêu chí căn bản của một người làm báo không chỉ trong thời đại ngày nay mà ngay cả trước đây cũng mang giá trị chủ đạo.

Ngoài chức năng thông tin, báo chí suy cho cùng là sản phẩm sáng tạo mang giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt. Người làm báo phải có trách nhiệm và nghĩa vụ gìn giữ văn hóa của báo chí như một mục tiêu cốt lõi. Ngôn ngữ báo chí được xem như chuẩn mực của ngữ pháp tiếng Việt. Chuẩn mực ở đây không phải hiểu theo sự tinh thông, cao siêu của tác giả mà là yêu cầu, nhiệm vụ của chính ngôn ngữ báo chí. Bởi, một bài báo viết ra, sẽ đến với công chúng. Công chúng tiếp nhận thông tin qua ngôn ngữ, hình ảnh, giọng nói… và xem đó là một chuẩn mực. Nếu ngôn ngữ, hình ảnh lệch chuẩn, dần già, người làm báo đã gieo vào độc giả sự mặc định cái sai thành cái đúng.

Điều này đã và đang xảy ra trong thực tiễn báo chí hiện nay. Chúng ta hiện nay thường bắt gặp cụm từ “tồn tại” trên các trang báo để chỉ sự hạn chế, yếu kém. Trong khi, bản thân cụm từ này nó mang nghĩa là sự hiện diện, đang diễn ra. Sự hiện diện hoặc đang diễn ra ở đây có thể là tích cực, cũng có thể là tiêu cực, yếu kém. Tuy nhiên, khi báo chí mặc định cụm từ “tồn tại” đồng nghĩa là hạn chế, yếu kém thì dần già, bản thân cụm từ này được chuyển nghĩa 100%. Hay từ “đối tượng” chúng ta thường dùng để chỉ những người có hành vi xấu, vi phạm pháp luật như “đối tượng có tiền án… đối tượng trộm cắp tài sản…” và dần dần, cụm từ “đối tượng” được khu biệt và khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến việc chỉ những người xấu. Trong khi, đây là danh từ chung đặc biệt để chỉ một nhóm, một số người như “đối tượng Đảng” để chỉ những quần chúng ưu tú đang được bồi dưỡng, rèn luyện để kết nạp Đảng hay “đối tượng là con thương binh, bệnh binh” để chỉ nhóm người thuộc diện là con thương, bệnh binh…

1(1).jpg
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là “góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. 

Việc dùng từ sai nghĩa, vay mượn tiếng nước ngoài thiếu chính xác, câu què cụt, sai ngữ pháp tiếng Việt là một trong những nguyên nhân làm tiếng Việt ngày một lệch chuẩn, thiếu sự bổ sung, “giàu hóa” theo hướng tích cực. Đặc biệt, đối với phương tiện báo mạng, tình trạng rút tít, ghi chú ảnh cẩu thả xảy ra tương đối phổ biến. Do tính phổ thông, tính đại chúng, tính thời sự của báo chí, nên những sai sót trên báo chí có tính lan truyền, ảnh hưởng xấu cũng rất nhanh trong xã hội. Công chúng vốn coi báo chí là mẫu mực trong việc nói và viết nên việc dùng từ sai sẽ rất dễ bị bắt chước theo.

Còn nhớ có một thời gian, báo chí thường dùng cụm từ “lâm luật” để nói về Luật Lâm nghiệp. Đây là cụm từ vay mượn mà trong quá trình sự dụng, người làm báo đã mặc định cho nó trọng trách mang nghĩa nói về luật liên quan đến lâm nghiệp, đến rừng. Trong khi, nếu chiết tự theo nghĩa Hán thì cụm từ này có nghĩa là “luật rừng”.

Tiếng Việt rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển nhanh với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều nội dung, vấn đề bản thân tiếng Việt chưa thể khái quát hết nội hàm, ý nghĩa. Những trường hợp này, chúng ta thường phải “vay mượn” ngôn từ để chuyển tải là điều không thể tránh khỏi. Hay trong báo chí, do yêu cầu về súc tích, ngắn gọn của ngôn từ, có những lúc, chúng ta phải “vay mượn” những từ, cụm từ chuyển tải hết được nội hàm của vấn đề, điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, thực tế, có không ít người, việc “vay mượn” này diễn ra tùy tiện, tràn lan, không phù hợp ngữ cảnh, ngữ nghĩa khiến vai trò của tiếng Việt mờ nhạt.

Sử dụng ngôn từ trong mỗi bài viết là cả một nghệ thuật, nhất là sử dụng tiếng Việt. Ngôn từ được sử dụng đúng ngữ cảnh, đúng mục đích là cả một quá trình tư duy sáng tạo chứ không thể tùy tiện như “xếp gạch và lò”.

Không ngẫu nhiên mà Hội nhà báo Việt nam đưa tiêu chí “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là một trong 6 tiêu chí để xây dựng văn hóa người làm báo. Bởi, cùng với hệ thống giáo dục, mỗi người cầm bút, trong đó có đội ngũ những người làm báo phải là đội ngũ tiên phong trong việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt’.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không chỉ dừng lại ở sự vận động, nguyện vọng, khuyến nghị, mà cần phải đi vào cuộc sống, tiến tới được luật hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông qua cách biểu đạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt đã có trách nhiệm góp phần định hướng việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Tiếng Việt trên báo chí phải là tiền đề, cơ sở nghiên cứu tích cực cho việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc một cách hiệu quả và hệ thống.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa người làm báo: Bắt đầu từ việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO