Giao thông đi lại là một nhu cầu thiết yếu và một phần không thể thiếu của đời sống con người. Xã hội ngày càng phát triển thì phương tiện đi lại (phương tiện giao thông) ngày càng phát triển, hoàn thiện cũng như nhu cầu đi lại ngày càng cao...
Giao thông đi lại là một nhu cầu thiết yếu và một phần không thể thiếu của đời sống con người. Xã hội ngày càng phát triển thì phương tiện đi lại (phương tiện giao thông) ngày càng phát triển, hoàn thiện cũng như nhu cầu đi lại ngày càng cao.
Nếu giao thông đi lại là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người thì văn hóa giao thông cũng là một mặt quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội… Song, có lẽ điều ấy ít được nói đến hay ít được người ta quan tâm đúng mức.
Điều muốn nói là giao thông trong đời sống xã hội đương đại cũng có những cái tích cực, mặt tốt đẹp đáng biểu dương, nhưng cũng có những điều bất cập, cái tệ bạc đáng phê phán.
Có thể nói, cái tích cực, cái tốt đẹp của văn hóa giao thông trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều lắm. Đó là hình ảnh một chiến sĩ công an, một thanh niên cầm tay bà cụ qua đường giữa dòng người xe tấp nập hay một cô cậu sinh viên nhường ghế cho các cụ già, em nhỏ…, còn mình thì đứng trên xe khách đông người. Hoặc chỉ là một lời nhắc nhở của người qua đường khi người tham gia giao thông quên gạt chân chống hay khi đi qua đoạn đường ngật lụt, nguy hiểm đến tính mạng…
Mỗi một cử chỉ, hành vi ấy dù là nhỏ, là bình dị đời thường mà có ý nghĩa nhân văn cao cả. Bởi rõ ràng, người ta coi tính mạng con người là hơn hết, hơn cả mọi vật chất tiền bạc… Đó cũng là cốt cách, là lẽ sống của con người Việt Nam được hun đúc hình thành từ 4000 năm văn hiến.
Chúng ta trân trọng và cổ vũ đối với những hành vi, lối sống cao đẹp ấy; coi đó là một nét văn hóa giao thông cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hằng ngày, nhằm góp phần giảm thiểu TNGT.
Bên cạnh những cái tốt đẹp kể trên, do nhiều nguyên nhân, nhất là tác động của kinh tế thị trường mà người ta thường có những hành vi xấu xa hay thái độ ứng xử thiếu văn hóa, thậm chí là vô nhân đạo, tệ bạc trong khi tham gia giao thông. Vấn đề muốn nói ở đây không chỉ là sự ứng xử thiếu văn hóa mà chính là ở thái độ vô cảm, bàng quan, coi thường tính mạng con người ở một số ít người khi tham gia giao thông.
Có thể nói, trong thực tế có rất nhiều những hành vi vi phạm luật giao thông và đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, đưa tin như một phản ứng của xã hội, một sự lên án. Đó là việc có những lái xe đã chạy lấn hết phần đường của người đi bộ (không kể hoàn cảnh bất lợi mà hành vi của mình không làm ảnh hưởng người khác), buộc họ phải đi tránh bên phần đường hẹp, khó và nguy hiểm.
Đó là trường hợp một số người tham gia giao thông, nhất là những thanh niên choai choai, con nhà khá giả, thích đua đòi, dù có người can ngăn, luật pháp nghiêm cấm vẫn cứ phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng “làm xiếc” trên đường, tụ tập đua xe trái phép… bất chấp tính mạng bản thân mọi người và luật lệ giao thông.
Và thật tệ bạc hơn với người khi tham gia giao thông, thấy người bị TNGT, thậm chí có khi do chính mình gây nên đã không giúp đỡ, chịu trách nhiệm mà còn bỏ đi hay “bỏ của chạy lấy người”…
Đó là những hành vi, thái độ vô cảm, vô lương tâm trách nhiệm trước tính mệnh của đồng loại rất đáng bị lên án mà người có văn hóa, có lương tri không thể chấp nhận được.
Như vậy, có thể nói, văn hóa giao thông như một phần không thể tách khỏi đời sống xã hội đương đại. Nó gắn liền với tính mệnh mỗi người khi tham gia giao thông, cũng như tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế xã hội.
Do vậy, để góp phần giảm thiểu TNGT, trước hết mỗi chúng ta phải am hiểu văn hóa giao thông và tác động của nó trong đời sống xã hội để từ đó kịp thời điều chỉnh những hành vi, thái độ xấu xa, lệch lạc cũng như phát huy những mặt tích cực, tốt đẹp khi tham gia giao thông.