Văn hóa đọc trong thời 4.0
Đọc được xem là “chìa khóa” mở ra cửa sổ tri thức. Dù thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, đọc vẫn là cách thức tiếp cận thông tin phổ biến và hiệu quả.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc truyền thống đang đứng trước những thách thức bởi các hình thức tiếp cận mới từ kỹ thuật số.
Còn nhớ, ngày học năm thứ nhất ở đại học, một người thầy trong tiết dạy Văn học thời kỳ Trung đại có nói với chúng tôi: Tôi không hy vọng truyền đạt kiến thức gì cao siêu cho anh chị. Sau 4 năm đại học, tôi chỉ mong anh, chị biết cách đọc sách.
Ngày đó, để tiếp cận với kiến thức, ngoài các bài giảng, thuyết trình, chúng tôi đều phải tranh thủ thời gian đến thư viện, dúi đầu vào những cuốn sách. Biết cách đọc sách như thầy giáo đã nói sau này chúng tôi cũng dần hiểu ra. Đó là đọc gì, cần hiểu gì; cách đọc sách thế nào để trong thời gian nhất định, nắm được nội dung cốt lõi, vấn đề nêu ra và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào trong ngồn ngộn cả kho tàng kiến thức ở thư viện…
Đó là sinh viên, còn đối với một số tầng lớp khác trong xã hội, việc tiếp cận được một cuốn sách, tạp chí hay tờ báo, không phải ai cũng có cơ hội. Từ đây, người đọc sách gần như chỉ dành cho tầng lớp tri thức, hoặc chí ít cũng là những người có điều kiện nhất định. Vì thế, cái đọc trước đây được hiểu đơn thuần là đọc sách, đọc báo, các khẩu hiệu tuyên truyền đơn giản, phổ thông. Từ khái niệm đọc này, nhiều người cho rằng, ngày xưa đọc nhiều hơn bây giờ, nhất là giới trẻ. Giới trẻ bây giờ hiếm người gối đầu giường một cuốn sách. Giới trẻ bây giờ rất ít người đọc trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết…
Theo một thống kê không chính thống, 63% lượng kiến thức mà con người tiếp cận hiện nay vẫn là từ “đọc”. Nhưng, đọc ngày nay không đơn thuần là đọc trong những cuốn sách, mà từ nhiều thể loại, loại hình. Từ thống kê cũng cho thấy cơ hội người dân hiện nay được đọc tăng gấp nhiều lần so với trước. Tiếp cận các thành tựu từ công nghệ, người dân có cơ hội đọc nhiều hơn với các nền tảng, trong đó có mạng xã hội. Hơn thế, cách đọc hiện nay cũng đa dạng hơn với các hình thức từ chữ viết, biểu tượng, biểu ngữ, ký hiệu…
Nếu nhìn ở góc độ đọc truyền thống, chúng ta đang thấy sự “lép vế” về lượng phát hành sách, báo, tạp chí… Nhu cầu tiếp cận tri thức đang có sự chuyển dịch từ đọc truyền thống sang nhiều hình thức như nghe, nhìn, biểu tượng, ký hiệu…Đây là sự chuyển dịch đã tạo nên những cơ hội mới cũng như những thách thức trong phát triển văn hóa đọc.
Không phải ngẫu nhiên, chúng ta có riêng Ngày sách Việt Nam. Văn hóa đọc, trong đó có đọc sách đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách.
Văn hóa đọc giữ một vai trò ngày càng quan trọng, góp phần vào sự hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại…
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, văn hóa đọc nói chung đang chịu những tác động, chi phối bởi vô số yếu tố chủ quan và khách quan. Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, “văn hóa đọc” đang có chiều hướng ngày càng bị lấn át bởi “văn hóa nghe - nhìn”.
Hiện nay, nhiều người dân, nhất là lớp trẻ đang có xu hướng đọc thông tin và sách báo, tạp chí trên mạng nhiều hơn là đọc sách, báo như trước đây. Thư viện truyền thống đang vắng dần độc giả. Nắm bắt xu hướng đó, để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin qua đọc, hệ thống thư viện điện tử, sách, báo điện tử đang phát triển nhanh để bù lấp “khoảng trống” của sự thiếu hụt trong đọc sách truyền thống.
Khi cách thức tiếp cận thông tin như nghe, nhìn đang được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện ích, hấp dẫn, nhiều nhà xuất bản đã nhìn thấy cơ hội mới trong xuất bản. Phát hành sách, báo điện tử được xem là sự dịch chuyển tất yếu.
Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận, từ đọc chủ động, hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng đọc thụ động. Với công nghệ phát triển, ngoài các mặt tích cực, việc người đọc đang bị “lái” theo các xu hướng không tích cực thậm chí nội dung xấu, độc cũng đang diễn ra. Với nhiều tiện ích, người đọc đang có xu hướng “ăn xổi” thông tin hơn là sự tìm tòi, nghiên cứu.
Có thể thấy, dù đọc theo cách nào, việc tiếp cận tri thức là một nhu cầu tất yếu. Trong ngồn ngộn thông tin, văn hóa đọc sẽ giúp chúng ta xác định được những tiêu chí, chuẩn mực trong việc lựa chọn hình thức cũng như nội dụng tiếp cận thông tin. Và rồi, biết cách đọc, hay nói cách khác, "hãy là người đọc thông thái" vẫn luôn là yêu cầu cốt yếu trong mọi thời đại để tiếp cận tri thức.