Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập.
Bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục LLCT cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Người chỉ rõ: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập LLCT là nhiệm vụ quan trọng của mình". Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông luôn coi công tác giáo dục chính trị. Đây được xem là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ khi tái lập đến nay, cấp ủy các cấp luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo LLCT cho cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục LLCT của tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học, gắn lý luận với thực tiễn. Việc triển khai, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng tiếp tục được đổi mới, nâng cao về chất và lượng.
Toàn tỉnh đã phối hợp mở 126 lớp trung cấp LLCT với 7.213 học viên; 15 lớp cao cấp LLCT với 1.422 học viên; 204 lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính với 13.464 học viên...
Qua các lớp học tập, quán triệt LLCT, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu hơn về chủ trương của Đảng, ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục LLCT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT ở tỉnh Đắk Nông hiện nay”, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh đã vận dụng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT. Điều này được thể hiện qua việc các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm đối tượng; gắn giáo dục vào ứng dụng nghiên cứu khoa học và sản xuất. Quá trình giảng dạy, giảng viên khơi gợi được trí thông minh, tính sáng tạo của người học; tăng cường đối thoại và phát huy vai trò tự học của học viên...
Còn theo Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Khắc Ghi, Đắk Nông luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT: tập trung đổi mới công tác giảng dạy và vận dụng kiến thức lý luận gắn với hoạt động thực tiễn. Đổi mới phương thức học tập, nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp theo hướng nâng cao tính tự giác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong việc quán triệt, đánh giá, kiểm tra nhận thức...”.
Trên cơ sở đó, Trường Chính trị tỉnh đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trường đã cụ thể hóa, xây dựng, ban hành các quy chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý luận và thực tiễn lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các bài giảng... được chú trọng.
Nhà trường cũng xác định, đội ngũ giảng viên là nhân tố quan trọng, quyết định đến đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Từ đó, trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng, phương pháp sư phạm.
Đến nay, trường có 26 giảng viên, trong đó có 2 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 2 cử nhân, 16 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính, 21 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 5 giảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị...
Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Vì vậy, để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là giáo dục chính trị tư tưởng...
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy các cấp cần củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức bảo đảm đủ về số lượng, thành thạo về kỹ năng, nghiệp vụ và có tính chuyên nghiệp cao.
Việc quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần được thực hiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Công tác giáo dục LLCT, đạo đức, lối sống cần được chú trọng, nhất là khắc phục tình trạng lười học, ngại học LLCT trong cán bộ, đảng viên. Cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo đồng chí Lê Khắc Ghi, để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT, Trường Chính trị tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn, thông thạo về quản lý, có khả năng nắm bắt các vấn đề thực tiễn, vận dụng linh hoạt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Nhà trường tiếp tục đề xuất xây dựng đội ngũ chuyên gia thỉnh giảng là những cán bộ, nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có kỹ năng, phương pháp, am hiểu sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn, thực hiện truyền đạt các kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, những vấn đề thực tế của đất nước, của tỉnh Đắk Nông. “Nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng LLCT theo hướng “đào tạo cơ bản” và “bồi dưỡng theo chức danh”; tăng cường các kỹ năng thực hành, lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống trong thực tế”, đồng chí Lê Khắc Ghi cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, để nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT hiện nay theo tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, trước hết cần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Trong đó, phương pháp giảng dạy cần học đi đôi với kết hợp nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Đi đôi với đó lấy người học làm trung tâm; cải tiến cách tổ chức lớp học và phương pháp giảng dạy; kết hợp tổ chức các hình thức phụ khóa, ngoại khóa; thảo luận chuyên đề; hướng dẫn người học học tập, ôn tập học phần và thi hết môn... “Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu của giáo dục LLCT. Đó là xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên LLCT có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tư tưởng đạo đức. Đội ngũ giảng viên phát huy và nâng cao tính tích cực, tự giác của bản thân đội ngũ giáo viên LLCT về năng lực chuyên môn, rèn luyện nhân cách, nhất là giáo viên trẻ”, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết.