Vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Thanh Nhàn - Thùy Trang| 11/06/2021 09:23

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. 73 năm đã trôi qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là lời hiệu triệu, động viên cho các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận cho bác Nguyễn Mạnh Tường, 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Ảnh tư liệu

Xuất phát từ lợi ích của Nhân dân

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân. Người chỉ rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” bởi vì cả ba loại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đều nguy hiểm, phải “diệt” để hướng tới mục tiêu: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”.

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Tất cả thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Như vậy, lực lượng thi đua là rất đông đảo không phân biệt thành phần, lứa tuổi đều có trách nhiệm tham gia vào phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực.

Trong quá trình phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Người nói: Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn. Người nói: Có nhiều nơi Nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của cuộc thi đua ái quốc. Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Người phân tích: Thi đua không phải là nhất thời mà phải trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. Các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc không đúc rút kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Người khẳng định: Thi đua là phải toàn dân, toàn diện. Trong cái việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.

Từ những ngày đầuphát động, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào tiêu biểu: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… Nhờ quá trình vận dụng sáng tạo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đất nước ta từng bước vượt qua khó khăn, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, từng bước bảo đảm những điều kiện vật chất thiết thực phục vụ cho kháng chiến. Ở hậu phương, nơi tiền tuyến, Nhân dân và các chiến sĩ đều thi đua tăng gia sản xuất giỏi, thi đua giết giặc lập công.

Mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều có các phong trào thi đua phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng. Sau ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua lại hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Tiếp tục thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

Vận dụng sáng tạo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn đang tiếp tục thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào có sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và mang tính Nhân dân sâu sắc, tiêu biểu như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”... Các phong trào phát động được xây dựng phù hợp với từng nhiệm vụ chính trị cụ thể và đạt được hiệu quả thiết thực, có hiệu ứng xã hội tốt.

Mới đây nhất, ngày 5/6, tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể Nhân dân đồng lòng cùng chống dịch, chung sức với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vắc xin Covid-19. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là "vũ khí" tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của Nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn. Hưởng ứng lời kêu gọi, các tầng lớp Nhân dân đã tích cực tự nguyện đóng góp. Tính đến 22 giờ tối 5/6, tổng số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ là 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra, qua tổng đài 1408, Quỹ đã nhận được số tiền ủng hộ 17,7 tỷ đồng và số tiền hiện đang tiếp tục được nâng lên.  

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19. Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp, không kể ít hay nhiều, đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên phải bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của Nhân dân.

73 năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nền tảng, động lực để mọi tầng lớp Nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cơ sở vận dụng sáng tạo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/van-dung-sang-tao-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-86910.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/van-dung-sang-tao-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-86910.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO