Vai trò của giáo dục trong chiến lược phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông

Tôn Thị Ngọc Hạnh| 01/02/2023 15:12

Công viên địa chất toàn cầu là mô hình phát triển kinh tế xã hội - bền vững với sự tham gia tích cực của người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch. Do đó, giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các sứ mệnh của một công viên địa chất, vì chỉ khi được đào tạo về kiến thức, về kỹ năng, về văn hóa, về cách làm… thì các giá trị của phát triển bền vững mới được nhân lên.

ADQuảng cáo

Trong quan niệm của người Việt Nam, mùa xuân luôn đồng hành cùng tuổi trẻ - “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Mùa xuân không chỉ là mùa của trời đất giao hòa, của sức sống mãnh liệt mà đó còn là mùa của những khởi đầu mới, mùa dệt nên bao ước mơ và hy vọng. Mùa xuân là thời điểm tốt nhất để ươm mầm cây trái cũng như giáo dục sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi hướng đến tuổi trẻ bởi “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Tri thức nhân loại rất rộng lớn, cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang đợi chúng ta khám phá, và con người chỉ thực sự hạnh phúc khi nắm chắc trong tay hạt mầm kiến thức. Chinh phục được đỉnh cao tri thức cũng có nghĩa là chúng ta đã tìm thấy mùa xuân tương lai cho chính mình. Giáo dục không chỉ mang đến kiến thức mà còn góp phần bồi đắp nhân cách, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào đối với những giá trị văn hóa, di sản của địa phương, dân tộc và chính vì lẽ đó mà giáo dục có một vai trò quan trọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Giáo dục là một trong mười lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (bao gồm: tài nguyên thiên nhiên, tai biến địa chất, biến đổi khí hậu, giáo dục, khoa học, văn hóa, nữ quyền, phát triển bền vững, tri thức bản địa và bảo tồn địa chất). Đây là điều kiện tiên quyết đối với một Công viên địa chất toàn cầu để nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về di sản địa chất và mối liên hệ giữa di sản địa chất với các khía cạnh khác của đời sống tự nhiên, văn hóa, xã hội.

Công tác giáo dục về công viên địa chất, trước hết là làm cho người dân địa phương biết, nhận thức đúng và đủ về những giá trị di sản hội tụ trong vùng công viên địa chất mà họ đang sở hữu, tính độc đáo và duy nhất của những giá trị này trong kho tàng di sản chung của nhân loại; từ đó, khơi gợi được niềm tự hào và mong muốn được bảo tồn, lưu giữ, trao truyền lại những giá trị ấy cho thế hệ mai sau.

Sau nữa, nhiệm vụ giáo dục của một công viên địa chất là tạo ra một “môi trường học tập ngoài trời” tuyệt vời để thúc đẩy sự hiểu biết về môi trường tự nhiên và quan trọng hơn hết là để dạy các kỹ năng sống hòa hợp với thiên nhiên. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong tư duy, hành động, hướng đến lối sống bền vững, thân thiện với môi trường của cộng đồng địa phương và du khách.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - Nguồn tư liệu phong phú cho giáo dục địa phương

Công tác giáo dục của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trước hết cần làm rõ được những vấn đề cốt lõi, như: Vì sao tỉnh Đắk Nông lựa chọn mô hình phát triển Công viên địa chất? Phát triển Công viên địa chất có xung đột lợi ích với phát triển kinh tế hay không? Vai trò của Công viên địa chất Đắk Nông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; Người dân được hưởng lợi như thế nào trong việc phát triển Công viên địa chất? Trả lời được những câu hỏi trên mới tạo được sự thông suốt, đồng thuận, chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương.

Ngoài ra, Công viên địa chất Đắk Nông còn là nguồn tư liệu phong phú cho hoạt động dạy và học của các cấp học, là câu chuyện lịch sử thú vị về sự biến đổi của bề mặt Trái đất trên vùng đất cao nguyên M’nông với các hóa thạch sinh vật biển, các hoạt động núi lửa tạo ra hệ thống hang động dài, độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á, các mỏ khoáng sản,... về những truyền thống văn hóa địa phương của 40 dân tộc anh em, đặc biệt là của 3 dân tộc bản địa Mạ, M’nông, Ê đê bắt nguồn từ sự tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên. Những tư liệu này được khai thác đúng hướng sẽ là những ví dụ hết sức cụ thể, sinh động, gần gũi cho các môn học như địa lý, vật lý, ngữ văn, sinh học, lịch sử… trong trường học.

Bên cạnh đó, các vấn đề mang tính toàn cầu như ô nhiễm, biến đổi khí hậu… cũng là một trong những nội dung giáo dục mà Công viên địa chất Đắk Nông chuyển tải rất hiệu quả. Thông qua việc tham chiếu những thay đổi môi trường đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử kiến tạo bề mặt Trái đất, được lưu giữ trong các lớp đất, đá, trầm tích của Công viên địa chất Đắk Nông, người học sẽ thấy được sự biến đổi của cảnh quan môi trường qua từng thời kỳ. Đây là cách tiếp cận vừa khoa học, vừa trực quan, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi, hướng đến lối sống bền vững.

Có thể thấy, Công viên địa chất Đắk Nông là kho dữ liệu phong phú cho giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục hướng nghiệp. Có làm tốt công tác giáo dục thì trong quá trình phát triển, Công viên địa chất Đắk Nông mới giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Đồng thời, giúp du khách cảm nhận được giá trị sống sâu sắc hơn, cộng đồng địa phương gắn kết nhiều hơn, tự hào hơn về dân tộc, quê hương. Con em địa phương sẽ có động lực học tập, sống có lý tưởng để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Các chương trình giáo dục, đào tạo về Công viên địa chất được thực hiện theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp (ảnh: Mỹ Hằng)
ADQuảng cáo

Công tác giáo dục của Công viên địa chất Đắk Nông trong những năm qua

Trong những năm qua, để huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến nhiều đối tượng: từ cán bộ, công chức, viên chức đến người dân tại các bon, buôn, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác giáo dục đặc biệt chú trọng đến đối tượng là học sinh, giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục của địa phương.

Hình thức giáo dục tuyên truyền cũng được đa dạng hóa, ngoài phương pháp truyền đạt truyền thống, Ban Quản lý còn thiết kế các ấn phẩm như Truyện tranh về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Truyền thuyết Nâm Blang; phối hợp với Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam xây dựng các tập phim tài liệu khoa học “Di sản địa chất Đắk Nông”.

Ban Quản lý còn phối hợp với các trường học tổ chức các chuyến tham quan tại các điểm đến trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông; phối hợp với các hợp tác xã tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề như kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, kỹ năng làm sản phẩm lưu niệm từ trái thông khô; tổ chức “Ngày hội đổi rác lấy quà” để tuyên truyền về lối sống xanh và bước đầu hình thành thói quen phân loại rác thải cho người dân.

Hằng năm, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (English Speaking Contest - Dak Nong UNESCO Global Geopark Insight) cho học sinh cấp THCS và THPT. Hoạt động này vừa khuyến khích các em học sinh chủ động tiếp cận với Công viên địa chất Đắk Nông, vừa định hướng nghề nghiệp cho các em gắn với địa phương. Phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật của tỉnh tư vấn định hướng cho các em học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng các cấp, gắn kết các sản phẩm với các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - Mở ra cơ hội giáo dục xuyên quốc gia

Với sự chủ động, tích cực, công tác giáo dục của Công viên địa chất Đắk Nông không chỉ giới hạn trong phạm vi của địa phương mà đã mở rộng, vươn đến sự giao lưu, kết nối với các công viên địa chất toàn cầu trên thế giới, với mục đích học hỏi, trao đổi về những di sản giữa các vùng/các khu vực trên thế giới, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa các thành viên trong Mạng lưới toàn cầu.

Tiêu biểu là các chương trình như: Khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm vận hành và quản lý công viên địa chất tại Công viên địa chất toàn cầu Arouca (Bồ Đào Nha) do UNESCO tài trợ; Khóa đào tạo về kỹ năng quản lý và vận hành Công viên địa chất do Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Hàn Quốc (KIGAM) tài trợ; Chương trình giao lưu văn hóa trực tuyến giữa học sinh, sinh viên trong vùng công viên địa chất Đắk Nông và Công viên địa chất Hakusan Tedorigawa (tỉnh Ishikawa, Nhật Bản).

Như vậy, có thể thấy công tác giáo dục của công viên địa chất là hoạt động thường xuyên, liên tục, giàu sáng tạo, truyền cảm hứng và rất đa dạng về chủ đề cũng như hình thức thực hiện để phù hợp với các nhóm đối tượng ở từng độ tuổi khác nhau. Do đó, triển khai công tác giáo dục của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là hoạt động của riêng Ban Quản lý Công viên địa chất, mà cần có sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi thực hiện tốt công tác giáo dục, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mới bảo đảm việc thực hiện sứ mệnh phát triển bền vững đối với kinh tế - xã hội địa phương.

Một mùa xuân nữa lại về trên cao nguyên lộng gió, Đắk Nông đang chuyển mình từng ngày để vươn vai đứng dậy, chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản địa chất – món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ cần thắp lên ngọn lửa của tình yêu và trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các giá trị di sản trong vùng công viên địa chất, bởi đây không chỉ là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của nhân loại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của giáo dục trong chiến lược phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO