Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (Ban quản lý khu công nghiệp) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo nguyên tắc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Nội dung ủy quyền do cơ quan ủy quyền và cơ quan được ủy quyền thống nhất và phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tổ chức bộ máy làm công tác lao động của Ban quản lý khu công nghiệp.
Hình thức và thời hạn ủy quyền
Thông tư nêu rõ, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập thành 4 bản theo mẫu mỗi bên giữ 1 bản, 1 bản gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Pháp chế), 1 bản gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ủy quyền phải xác định thời hạn và được ghi cụ thể trong văn bản ủy quyền.
Nội dung ủy quyền
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện nhiệm vụ là công việc tiếp nhận thông báo về việc cho thôi việc đối với người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019.
Thông tư nêu rõ, cơ quan ủy quyền có quyền chấm dứt ủy quyền trước thời hạn khi xét thấy cơ quan được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung đã được ủy quyền hoặc xuất phát từ tình hình thực tế, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
Việc chấm dứt ủy quyền trước thời hạn phải được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do, gửi cho cơ quan được ủy quyền và các cơ quan có liên quan.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024.