Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam

04/04/2023 12:46

Với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong và phải chịu tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn xác định tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước trong Ủy hội cũng như với các đối tác quốc tế trong thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995.

Chợ nổi Phong Điền trên sông Hậu là một điểm tham quan hấp dẫn của sông nước miền Tây. (Nguồn: MRC)
Chợ nổi Phong Điền trên sông Hậu là một điểm tham quan hấp dẫn của sông nước miền Tây. (Nguồn: MRC)

Sông Mekong là một trong những dòng sông lớn nhất, có mức đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Lưu vực sông rộng 795.000km2, trải dài từ Tây Tạng đến đồng bằng sông Cửu Long. Sông Mekong dài gần 5.000km và chảy qua 6 nước. Hạ lưu sông Mekong nằm ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, là nơi sinh sống của hơn 65 triệu người. Hạ lưu sông Mekong tạo ra cơ hội thương mại, giao thông, an ninh lương thực, thu nhập và đồng thời là nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, hằng năm đem lại hơn 4 triệu tấn cá và các loài thủy sản khác.

MRC - diễn đàn về ngoại giao nước và hợp tác vùng

Ủy hội sông Mekong quốc tế (Ủy hội) được thành lập theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam).

Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.

Tiền thân của Ủy hội là Ủy ban Mekong được thành lập từ năm 1957 (gồm 4 quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) với sự hỗ trợ của Ủy ban kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc ở châu Á-Thái Bình Dương (UN ESCAP) và một số nước khác nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên một cách công bằng và hợp lý giữa các quốc gia đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, sinh thái trong lưu vực sông Mekong.

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam ảnh 1
(Theo Mrcmekong.org)

Trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay về lưu vực sông Mekong, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, được sự hỗ trợ và đóng góp tài chính tích cực của các quốc gia thành viên, các quốc gia tài trợ và tổ chức quốc tế, Ủy hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông thủy, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Myanmar (hiện là Đối tác đối thoại của Ủy hội), các đối tác phát triển/cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.

Chính vì vậy, hoạt động của Ủy hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của các quốc gia thành viên mà còn trong tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong lưu vực.

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam ảnh 2
Cầu hữu nghị Thái-Lào trên sông Mekong. (Nguồn: MRC)

Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thống nhất Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế 4 năm 1 lần luân phiên tại các quốc gia thành viên theo thứ tự vần chữ cái tên quốc gia vào ngày 5/4 (là ngày ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong).

Các hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất được tổ chức ngày 5/4/2010 tại Hua Hin, Thái Lan với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, Giữ cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ hai được tổ chức ngày 5/4/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba được tổ chức ngày 5/4/ 2018 tại Thành phố Siêm Riệp, Campuchia với chủ đề “Tăng cường các nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư sẽ được tổ chức ngày 5/4/2023 tại Viêng Chăn, Lào với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm điểm quá trình 4 năm hoạt động của Ủy hội kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ ba. Hội nghị đồng thời là cơ hội để tiếp tục khẳng định cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong; xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác trong Ủy hội trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế bảo đảm an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trước các thách thức do tự nhiên và con người gây nên.

Đây cũng là sự kiện chính trị cấp cao của các nước trong tiểu vùng Mekong, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội, tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và khu vực, các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và cộng đồng các nhà tài trợ.

Đóng góp của Việt Nam vào các thành tựu của Ủy hội

Việt Nam đã xác định mục tiêu hợp tác Mekong, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 bao gồm: bảo đảm sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và toàn lưu vực sông Mekong nói chung; hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong về phía hạ du và tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực.

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam ảnh 3
Độc đáo làng nổi cá bè ở Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Nguồn: MRC)

Với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong và phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế có truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực.

Ủy hội cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung. Vì vậy, Việt Nam cũng xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và tuân thủ các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế, và qua đó kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Cho tới nay, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao, thể hiện vai trò của một quốc gia thành viên hết sức tích cực và xây dựng trong tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn, từ cấp cao tới cấp Bộ trưởng, Ủy ban Liên hợp, Nhóm công tác… trên tất cả các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và các đóng góp vượt bậc về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam ảnh 4
Đua thuyền rồng tại tỉnh An Giang. (Nguồn: MRC)

Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia sông Mekong; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar trên cơ sở thận trọng khôn khéo, vận dụng các nguyên tắc hợp tác cơ bản đã được các bên tham gia chấp thuận như đồng thuận nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Các đóng góp cụ thể của Việt Nam tại Ủy hội:

  • Tham gia trong xây dựng và triển khai các văn bản pháp lý, các chiến lược của Ủy hội như: Chiến lược phát triển lưu vực các giai đoạn, Chiến lược quản lý và giảm nhẹ lũ, Chiến lược thủy sản, Chiến lược phát triển thủy điện… xây dựng và hoàn thiện Bộ thủ tục giám sát sử dụng nước và các hướng dẫn kỹ thuật…
  • Tích cực đóng góp chia sẻ thông tin, số liệu: phục vụ các hoạt động của các chương trình, dự án, các nghiên cứu của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế, tuân thủ thực hiện theo đúng các chỉ dẫn kỹ thuật của Thủ tục Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu của Ủy hội, các quy định trong nước về an ninh, bảo mật đối với chia sẻ thông tin, số liệu.
  • Đóng góp chuyên gia và kỹ thuật cho Ban Thư ký Ủy hội, cử các chuyên gia trong nước giỏi, có nhiều kinh nghiệm đến làm việc tại Ban Thư ký nhằm xây dựng nguồn cán bộ ven sông cho Ban Thư ký và triển khai quá trình “ven sông hóa” của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.
  • Tích cực và chủ động tham gia quá trình tham vấn đối với các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đặc biệt là tham vấn trước đối với các đề xuất dự án thủy điện dòng chính sông Mekong, các thông báo sử dụng nước của các quốc gia thành viên Ủy hội.
  • Tích cực tham gia các nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong quốc tế như các nghiên cứu về quản lý lũ xuyên biên giới, các vấn đề pháp lý trong quản lý lũ, các nghiên cứu về phát triển thủy điện bền vững, đặc biệt là Nghiên cứu của Ủy hội về phát triển bền vững lưu vực sông Mekong bao gồm đánh giá tác động của thủy điện dòng chính.
  • Tăng cường vai trò Ủy hội sông Mekong quốc tế, đẩy mạnh hợp tác của Ủy hội với các cơ chế hợp tác đa phương khác trong khu vực, thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên trường quốc tế và trong khu vực.

Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững; kinh tế đạt tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên khác của Ủy hội và các đối tác quốc tế.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/uy-hoi-song-mekong-quoc-te-mrc-va-su-tham-gia-dong-gop-tich-cuc-cua-viet-nam-post746100.html
Copy Link
https://nhandan.vn/uy-hoi-song-mekong-quoc-te-mrc-va-su-tham-gia-dong-gop-tich-cuc-cua-viet-nam-post746100.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO