Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

23/04/2025 19:25

Chiều 23-4, tiếp tục chương trình Phiên toàn thể lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiến hành thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cùng dự có các Phó chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo dự án Luật và các bộ, ngành có liên quan.

Về phía cơ quan soạn thảo, tham dự phiên họp có Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), các đồng chí đại diện Ban soạn thảo dự án Luật, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, theo Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8-6-2024.

Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để góp phần hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn các đại biểu phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến đối với các nội dung dự án Luật.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát biểu tại phiên họp. 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, mục đích ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Luật này quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

“Việc ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục thể chế hóa quy định tại Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; khắc phục những hạn chế, bất cập tại Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13-11-2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận nội dung phiên họp. 

Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nhất trí việc bổ sung đối tượng áp dụng là “cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Khoản 2, Điều 2. Đồng thời, đề nghị làm rõ đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 2: Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào, vì không được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Kết luận phiên họp thẩm tra, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nêu rõ, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại và một số nội dung Ban soạn thảo cần làm rõ. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để việc xây dựng luật thực hiện theo chủ trương xây dựng pháp luật mới, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan. 

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-va-doi-ngoai-tham-tra-du-an-luat-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-825340
Copy Link
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-va-doi-ngoai-tham-tra-du-an-luat-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-825340
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO