Các đồng chí: Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và đơn vị liên quan tiếp và làm việc với đoàn.
Nhiều ý kiến, kiến nghị được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nêu ra tại buổi làm việc |
Đắk Nông hiện có 12.915 viên chức; trong đó có 1.533 viên chức là người dân tộc thiểu số. Phần lớn viên chức tập trung nhiều ở ngành Giáo dục và ngành Y tế. Thực hiện quy định của pháp luật, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số quyết định, văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp thẩm quyền quản lý tổ chức bộ máy và tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp một số bất cập, vướng mắc nhất định.
Cụ thể, đối với việc ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý và việc phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức gắn với tăng thêm chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, trong khi không được tăng thêm về tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và điều kiện cần thiết khác đang gây khó khăn cho đơn vị được phân cấp. Bên cạnh đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cũng gặp vướng mắc về các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đặc biệt là tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác quản lý viên chức nói chung của tỉnh Đắk Nông |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Tư pháp và lãnh đạo các huyện đã nêu những bất cập cụ thể trong thực hiện quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý theo chức danh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, nhất là quy định về bổ nhiệm viên chức quản lý trong ngành Giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn cho biết, hiện nay tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học nhưng theo quy định lại không được tuyển dụng, hợp đồng, nên ngành Giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, khó tháo gỡ. Bên cạnh đó, theo quy định, ngành Giáo dục cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập phải tinh giản biên chế mỗi năm 10% càng gây khó khăn hơn…
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi thêm với Đoàn khảo sát |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương có ý kiến, do thiếu giáo viên nên hiện địa phương đang nợ hơn 16 tỷ đồng tiền dạy kê, dạy gác của giáo viên. Tuy nhiên, nếu Nhà nước có cơ chế cho hợp đồng thì số tiền phải trả chỉ trên 7 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Nguyễn Ngọc Lũy có ý kiến, cần phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện được bổ nhiệm cán bộ quản lý y tế ở cơ sở, có như vậy việc quản lý cán bộ mới thực sự sâu sát hơn.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội đề nghị làm rõ thông tin về các chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quản lý |
Trao đổi về việc thực hiện công tác quản lý viên chức và bổ nhiệm viên chức quản lý trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các quy định sẽ thống nhất hơn, vừa cân đối, vừa đơn giản hóa thủ tục, quy trình nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nhân sự, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn cho biết hiện nay tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học |
Tại buổi làm việc, một số khó khăn, vướng mắc khác về nội dung khảo sát tại địa phương đã được các thành viên đoàn khảo sát thông tin, làm rõ và hướng dẫn để tỉnh tháo gỡ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác quản lý viên chức nói chung của tỉnh Đắk Nông. Qua đó, đoàn sẽ tổng hợp các kiến nghị, ý kiến của tỉnh báo cáo Ủy ban Pháp luật Quốc hội xem xét, cho ý kiến để có những đề xuất, sửa đổi và hoàn thiện quy định của pháp luật.