>>Toàn văn Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2014
Báo cáo nhằm tổng kết và đánh giá diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô của kinh tế Việt Nam và thế giới, phân tích chuyên sâu một số vấn đề kinh tế và chính sách vĩ mô nổi bật trong năm, đồng thời đề cập những vấn đề mang tính trung và dài hạn đối với nền kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách.
Báo cáo năm nay được xây dựng gồm 7 chương, trong đó Chương 1 đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 và 6 chương tiếp theo đi sâu phân tích các vấn đề về thể chế liên quan đến cơ chế điều hành tỷ giá và những rủi ro đi kèm; quản trị DNNN và đề xuất đổi mới khung quản trị DNNN theo thông lệ tốt trên thế giới; đánh giá vấn đề phân cấp phân quyền trong quản lý vốn đầu tư công; phân tích thực trạng và đề xuất khuyến nghị hoàn thiện thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích; đánh giá phản ứng đổi mới thể chế từ sức ép hội nhập kinh tế quốc tế và cuối cùng là đánh giá công tác thống kê Việt Nam - một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát.
Đáng lưu ý, bản báo cáo này nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm và còn phải đối diện với nhiều rủi ro; nhất là rủi ro nợ công. Các tác giả báo cáo lưu ý, con số nợ công được báo cáo trước Quốc hội, được coi là “vẫn trong giới hạn cho phép” là vẫn chưa tính đầy đủ các khoản nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, tốc độ gia tăng nợ công nhanh chóng, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỉ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách sắp vượt ngưỡng cho phép. Quá trình tái cơ cấu trong ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại cũng chưa có tiến triển đáng kể.
Trong khi đó, cách tính GDP hiện nay được các tác giả bản báo cáo cho là còn nhiều điểm chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những nhận định chưa chính xác. Có khi cơ quan thống kê công bố tăng GDP theo giá thực tế rất cao nhưng chưa giải thích được mức tăng đó được tính vào mục nào và vì sao tăng. Tương tự với nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng được tính tăng lên so với số cũ gấp nhiều lần mà các nhà chuyên môn cũng không rõ là nhờ hoạt động nào. Ngoài ra, việc tính GDP về giá so sánh năm gốc ở Việt Nam không theo chuẩn mực quốc tế, cũng dẫn tới khả năng GDP tính theo giá so sánh có thể bị “bóp méo” để “đẩy” tốc độ tăng trưởng…