Công nghệ

Ưu tiên triển khai nông nghiệp tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính

An Trân 31/10/2024 08:51

Ngày 30/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh tổ chức toạ đàm “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp”. Hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các nhà quản lý, nhà khoa học từ các bộ, ngành và nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giảm phát thải .

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khí thải nhà kính được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp phát thải khoảng 30% lượng khí nhà kính, tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực: Trồng lúa nước (phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 50%); chăn nuôi (18,5 triệu tấn, chiếm 19%), quản lý đất và sử dụng phân bón (13,2 triệu tấn, chiếm 13%), các lĩnh vực khác chiếm 18%.

Những năm gần đây, trên phạm vi cả nước đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao của trồng trọt làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc; trồng lúa, rau hữu cơ giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Ưu tiên triển khai nông nghiệp tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính ảnh 1
Buổi tọa đàm thu hút hơn 100 đại biểu tham dự.

Tại tỉnh Bắc Ninh, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trang trại của từng vùng, từng địa phương.

Ngành nông nghiệp tích cực triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là nguyên liệu của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, khẳng định, để giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất, việc giảm khí thải nhà kính nhận được nhiều sự quan tâm và đồng thuận cao của các tổ chức trong nước và thế giới. Điều đó thúc đẩy sự quan tâm tới các giải pháp làm giảm thiểu khí thải nhà kính hướng tới nông nghiệp thông minh.

Đối với ngành nông nghiệp, nhu cầu giảm phát thải khí mê-tan từ nông nghiệp ngày càng trở nên cấp bách. Các nỗ lực cần được thực hiện để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030.

Ưu tiên triển khai nông nghiệp tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính ảnh 3
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác quản lý.

Theo đó, trong chăn nuôi cần khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến như Biogas và Biomass để chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải mêtan đáng kể. Đối với lĩnh vực trồng trọt, giảm phát thải khí N2O từ việc bón phân đạm không hiệu quả cho các loại cây trồng; sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Tại buổi toạ đàm, các ý kiến cũng tập trung chỉ rõ những kết quả, tồn tại từ đó đề xuất giải pháp, nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thuộc các lĩnh vực khác nhau trong quá trình sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Trong đó, ưu tiên các giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo…

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/uu-tien-trien-khai-nong-nghiep-tuan-hoan-de-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-post842136.html
Copy Link
https://nhandan.vn/uu-tien-trien-khai-nong-nghiep-tuan-hoan-de-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-post842136.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ưu tiên triển khai nông nghiệp tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO