Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông |
Phóng viên: Ngay khi Chính phủ quy định về cho vay đối với chương trình hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2, Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông đã cụ thể hóa chủ trương này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Hà: Chương trình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3/2021. Đây là nội dung quan trọng tại Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg, ngày 21/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Hiện tại, về phía chúng tôi đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp chính quyền các địa phương đẩy mạnh rà soát, lập danh sách. Trên cơ sở này, danh sách những hộ mới thoát nghèo được tổng hợp, báo cáo UBND các huyện, thành phố phê duyệt.
Việc tổng hợp, rà soát được thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ. Phương châm của chúng tôi là luôn tạo mọi điều kiện cho các hộ còn khó khăn tiếp cận vốn để thoát nghèo một cách bền vững.
Riêng về phía nguồn vốn, chúng tôi đã chuẩn bị hàng chục tỷ đồng để sẵn sàng giải ngân cho vay khi các hộ nằm trong diện ưu đãi có nhu cầu vay vốn. Đây là một chương trình tín dụng chính sách thiết thực, ý nghĩa. Chương trình được triển khai, các hộ mới thoát nghèo có thêm cơ hội để không tái nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định hơn.
Phóng viên: Như ông đã nói, đây là một chương trình có ý nghĩa rất thiết thực. Và trước khi bước vào giai đoạn 2, chương trình này đã được triển khai trong các năm từ 2015-2020. Ông đánh giá vai trò của chương trình này trong thời gian qua tại Đắk Nông như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Hà: Đúng là như vậy. Trong giai đoạn 2015-2020, Đắk Nông triển khai khá hiệu quả chương trình này. Tất cả các hộ mới thoát nghèo đáp ứng quy định ở tất cả các huyện, thành phố đều được chúng tôi tạo điều kiện cho vay.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 10.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Dư nợ tại đơn vị chúng tôi đến nay đối với chương trình này là hơn 420 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được vay hơn 44 triệu đồng.
Nhiều mô hình về cây trồng, vật nuôi được người dân đầu tư nguồn vốn vào thực hiện rất hiệu quả. Trong đó, phải kể đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai chương trình này thời gian qua còn gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, xét tổng thể, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã góp phần giảm nguy cơ tái nghèo trong người dân. Từ đây, đời sống người dân nhiều địa phương từng bước được cải thiện rất nhiều.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về một số hạn chế gặp phải trong quá trình triển khai chương trình ở giai đoạn trước?
Ông Nguyễn Tiến Hà: Trong giai đoạn 2015-2020, việc triển khai chương trình này gặp một vài khó khăn,hạn chế. Mặc dù không đáng kể và chúng tôi đã từng bước khắc phục, nhưng ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả thực hiện chương trình tại cơ sở.
Trước tiên phải kể đến đó là hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ bảo đảm thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững. Thời hạn cho vay tối đa 5 năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng.
Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ tại một số địa phương chưa cao. Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ở một số địa bàn còn hạn chế.
Phóng viên: Vai trò của chương trình này đối với người dân tại Đắk Nông là rất quan trọng. Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn 2, NHCSXH tỉnh triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Hà: Có thể khẳng định, đến nay, chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo đã, đang thực sự đi vào cuộc sống.
Để “tiếp sức” cho người dân thoát nghèo bền vững, về phía chúng tôi tiếp tục triển khai các quy trình nghiệp vụ cho vay đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn chi nhánh và các phòng giao dịch trực thuộc, bảo đảm đúng quy định.
Công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân sẽ được đơn vị đẩy mạnh. Chi nhánh NHCSXH tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, từng bước nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong người dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!