Lưu vực sông Mekong cung cấp sinh kế cho hàng chục triệu người. (Ảnh: Hải Tiến) |
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết, thỏa thuận nêu trên đánh dấu sự trở lại của USAID trong việc hỗ trợ trực tiếp MRC, nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu và ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược của MRC.
Thông qua quan hệ đối tác, MRC có thể hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia thành viên bằng dữ liệu, công cụ mới và thúc đẩy đối thoại toàn diện với tất cả các bên liên quan, góp phần nâng cao khả năng phục hồi của các cộng đồng thuộc lưu vực sông Mekong.
Thỏa thuận nêu trên dự kiến sẽ mang lại cho MRC một nguồn lực đáng kể để ứng phó với những thách thức phát triển trong các chiến lược ưu tiên của MRC; cung cấp cho các quốc gia thành viên MRC gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam sự hỗ trợ kỹ thuật trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định.
Thỏa thuận cũng huy động sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cộng đồng địa phương, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển, để tham gia vào các cuộc thảo luận vì lợi ích chung của lưu vực sông Mekong.
Một trong những nội dung của thỏa thuận giữa USAID và MRC là nhằm cải tiến công nghệ và công cụ quản lý lưu vực sông thông qua hệ thống viễn thám và vệ tinh. Ngoài ra, một mô hình ảo về các vị trí quan trọng trong lưu vực sẽ được tạo ra để phân tích và trực quan hóa các tác động của lũ lụt và hạn hán.
Hợp tác giữa MRC và USAID nhấn mạnh cam kết chung về phát triển bền vững và ổn định khu vực. Trong bối cảnh dòng sông Mekong tiếp tục phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và phát triển cơ sở hạ tầng, khoản tài trợ nêu trên được đánh giá sẽ góp phần bảo đảm sự lành mạnh và sức sống của dòng sông.