Ươm mầm sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Đặng Hiền| 02/01/2023 04:40

Trải qua 8 lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) tỉnh Đắk Nông là sân chơi, môi trường sáng tạo để các em rèn luyện kỹ năng, biến những ý tưởng, khám phá của mình thành những mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế, chủ doanh nghiệp trong tương lai.

ADQuảng cáo

Tạo điều kiện để học sinh thỏa đam mê sáng tạo

Cuộc thi sáng tạo dành cho TTNNĐ tỉnh Đắk Nông lần thứ VIII, năm 2021-2022 thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh ở 3 nhóm tuổi đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức đã nhận được 446 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi (vượt 29,65% so với cuộc thi lần thứ VII) trên cả 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; sản phẩm thân thiện với môi trường và phần mềm tin học.

5/8 huyện, thành phố đã tham mưu thành lập ban tổ chức cuộc thi tại địa phương để đẩy mạnh phong trào. Đặc biệt, TP. Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp là 2 địa phương tiêu biểu áp dụng phương châm “cầm tay, chỉ việc”, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về cuộc thi phong phú, đa dạng. 2 địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên về hướng dẫn học sinh hoàn thiện các đề tài, sản phẩm tham gia dự thi. Huy động các thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong sáng tạo và khoa học kỹ thuật để hỗ trợ tất cả các trường trong tổ chức thi cấp trường và lựa chọn ý tưởng hoàn thiện thi cấp cao hơn... 

“Nhà sáng chế” tuổi học trò

Từ nhỏ, em Vừ Thiên Nga, lớp 5B, Trường tiểu học và THCS Trần Quốc Toản (Đắk Glong) được bố mẹ cho đi tham dự các lễ hội. Thiên Nga ấn tượng sâu sắc với điệu múa xoang của dân tộc Tây Nguyên. Điệu múa uyển chuyển gắn kết cộng đồng con người với nhau, tái hiện lại đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của bà con đã gắn bó theo suốt một vòng đời, vòng cây trồng và từng mùa lúa rẫy.

Em Vừ Thiên Nga (bên phải) nhận được bằng khen của UBND tỉnh Đắk Nông vì có thành tích xuất sắc tại cuộc thi

Thiên Nga đã làm mô hình mô phỏng lại vòng xoang, điệu múa "tế trời" kết hợp với nhạc cồng chiêng của dân tộc Tây Nguyên và trang  phục thổ cẩm cùng màu sắc chủ đạo trên trang  phục của tộc người Jrai, Êđê, Bana, M’nông... Ngoài việc lưu giữ và duy trì nét văn hóa đặc trưng là múa xoang và thổ cẩm, Thiên Nga mong muốn phát triển sản phẩm thành mặt hàng mỹ nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống hàng ngày cho quê hương em.

Mô hình “Vòng xoang trên quê em” của em Vừ Thiên Nga xuất sắc đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo dành cho TTNNĐ tỉnh Đắk Nông lần thứ VIII và giải khuyến khích tại cuộc thi cấp quốc gia.

ADQuảng cáo

Các mô hình, giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; sản phẩm thân thiện với môi trường năm nay tiếp tục chiếm ưu thế về số lượng tham gia. Qua các mô hình, sản phẩm, cho thấy, các em đã tận dụng đồ phế liệu hay các vật liệu tự nhiên sẵn có để chế tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp mắt và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Em Nguyễn Hà Phương, lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) thuyết trình về mô hình, sản phẩm “Sử dụng bã cà phê làm chất đốt đuổi côn trùng và túi khử mùi”

Đắk Nông là một địa phương trồng nhiều cà phê. Người dân có thói quen uống cà phê hàng ngày nên lượng bã cà phê thải ra môi trường nhiều. Bã cà phê còn lại nhiều dưỡng chất nhưng thường không được tái sử dụng, bị bỏ đi rất lãng phí. Trước thực tế đó, em Nguyễn Hà Phương, lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) đã lên ý tưởng và thực hiện sản phẩm “Sử dụng bã cà phê làm chất đốt đuổi côn trùng và túi khử mùi”. Sản phẩm không có hóa chất nên mùi dễ chịu, an toàn thân thiện với môi trường, có khả năng đuổi côn trùng, đặc biệt là muỗi.

Phương đã đạt giải ba tại cuộc thi với sản phẩm của mình và trong tương lai, cô trò nhỏ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và làm thêm nhiều sản phẩm khác từ bã cà phê.

Năng lượng và động lực cho tuổi trẻ

Trải qua 3 vòng đánh giá, Ban tổ chức đã chọn 45 mô hình, sản phẩm để trao giải giải thưởng cấp tỉnh, với 1 giải nhất, 7 giải nhì, 12 giải ba và 25 giải khuyến khích. Từ các mô hình, sản phẩm đạt giải, Ban tổ chức đã tuyển chọn 12 mô hình, sản phẩm tiêu biểu nhất tham dự Cuộc thi sáng tạo dành cho TTNNĐ cấp quốc gia lần thứ XVIII. Kết quả, tỉnh Đắk Nông đã có 3 mô hình sản phẩm vượt qua hàng trăm "đối thủ" mạnh, có truyền thống từ khắp mọi miền đất nước để đạt 3 giải khuyến khích. Đắk Nông, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo tại khu vực Tây Nguyên.

Mô hình “Vòng xoang trên quê em” của em Vừ Thiên Nga (Đắk Glong) đạt giải khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo dành cho TTNNĐ cấp quốc gia lần thứ XVIII

Được tổ chức thường niên, Cuộc thi sáng tạo dành cho TTNNĐ đã thật sự trở thành sân chơi sáng tạo, thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo thanh thiếu nhi trong tỉnh. Các mô hình, sản phẩm năm nay tiếp tục cho thấy sự đa dạng, phong phú về mặt ý tưởng. Nhiều sản phẩm có sự đầu tư cao về hình thức, tính năng, công nghệ và trí tuệ, có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn như “Giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa và nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số qua bộ sưu tập trang phục thổ cẩm truyền thống”, “Thiết bị hỗ trợ bác sĩ theo dõi nhịp tim, nhiệt độ và nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân cấp cứu”, “Combo thiết bị luyện tập phục hồi chức năng vận động chân, hỗ trợ chăm sóc vệ sinh cho người già, người bị liệt”…  Những phần thưởng cho các mô hình, sản phẩm xuất sắc là động lực, niềm động viên, khích lệ để TTNNĐ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê sáng tạo.

Tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi năm 2021-2022 vừa qua, đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng, biểu dương những tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi và có mô hình, sản phẩm đạt giải. “Qua 8 lần thi, cuộc thi năm nay đã được nâng tầm cả chiều rộng và chiều sâu, ngày càng khẳng định vị trí của một sân chơi thực sự bổ ích, trí tuệ và khoa học cho TTNNĐ toàn tỉnh. Cuộc thi không chỉ là nơi cho các em thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo mà còn gửi gắm ước mơ, khát vọng của bản thân trong từng sản phẩm, góp phần nhỏ bé sức mình vào sự phát triển của quê hương.... UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh môi trường sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Trọng Yên khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ươm mầm sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO