Ứng phó El Nino: Tuyệt đối không được chủ quan!

17/05/2023 14:20

Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì chúng ta tuyệt đối không chủ quan với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.

ADQuảng cáo

CÔNG ĐIỆN CỦA THỦ TƯỚNG CHỈ ĐẠO CẤP BÁCH ỨNG PHÓ NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN

Ứng phó El Nino: Tuyệt đối không được chủ quan! - Ảnh 1.

Khả năng xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục; bão, ATNĐ dị thường; nguy cơ cao xuất hiện khô hạn diện rộng

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn. Chu kỳ xuất hiện El Nino thường là 3-4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

Sau 3 năm ảnh hưởng của La Nina gây mưa lũ lớn, ENSO (El Nino dao động Nam) đang chuyển sang trạng thái trung tính. 

Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.

Khi xuất hiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng trên phạm vi toàn quốc có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. 

Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ít hơn và thường tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn cả về cường độ và quỹ đạo. 

Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thiếu hụt về lượng mưa trên phạm vi toàn quốc với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế, trong các tháng mùa khô năm 2023, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt. 

Các tỉnh, thành phố cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024. 

Ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào các năm 2015-2016 và 2019-2020.

Khả năng xuất hiện kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong điều kiện El Nino, mặc dù lượng mưa có xu thể giảm nhưng vẫn có khả năng xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ. 

Ví dụ như năm 2015 xuất hiện hiện tượng El Nino nhưng tại tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Hay như năm 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực. 

Cụ thể, ở miền Bắc vào đầu tháng 7 và tháng 8 xuất hiện lũ lớn trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình với mức báo động lũ cấp III. Còn ở miền Trung, vào cuối tháng 9 xuất hiện đợt lũ lịch sử trên sông Cả (tỉnh Hà Tĩnh). Còn tại miền Nam đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Hoặc như năm 2009, trên Biển Đông xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động cấp III. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum xảy ra đợt ngập lụt nghiêm trọng...

Tuyệt đối không được chủ quan

Ông Mai Văn Khiêm cho biết: Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó. Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong công điện gần đây. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể. 

Trong đó, tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. 

Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Với khả năng cao xuất hiện của El Nino, chúng ta cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt là đối với vụ hè thu ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hay các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023. 

Chủ các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino. 

Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì chúng ta tuyệt đối không chủ quan với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.

Ứng phó El Nino: Tuyệt đối không được chủ quan! - Ảnh 2.

Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn 

ADQuảng cáo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Nội dung công điện như sau:

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; hiện nay, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp; một số hồ chứa lớn lượng nước trữ trong các hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3, cá biệt hồ Bản Vẽ (Nghệ An) thiếu hụt tới 389 triệu m3.

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh dự báo năm 2023 là một trong những năm nóng kỷ lục. Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới,  nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ:

a) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

c) Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước.

d) Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

đ) Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

e) Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí  đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phân công 01 đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

b) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.

c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương về mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.

d) Phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở đó hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.

đ) Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.

4. Bộ Công Thương

a) Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng; tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

5. Bộ Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
6. Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các Nhà máy nước lớn rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước.
8. Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng quản lý nhà nước được phân công./.
ADQuảng cáo
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ung-pho-el-nino-tuyet-doi-khong-duoc-chu-quan-119230517141821609.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó El Nino: Tuyệt đối không được chủ quan!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO