Ðại diện thường trực Việt Nam tại IAEA, Ðại sứ Nguyễn Trung Kiên phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: baoquocte.vn) |
Tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi điểm qua những hoạt động nổi bật của IAEA trong năm 2022 nhằm thúc đẩy các ứng dụng công nghệ hạt nhân một cách hòa bình, tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, thực hiện hoạt động thanh sát.
Cuộc họp của Hội đồng lần này tập trung xem xét các báo cáo của IAEA. Hội đồng cũng thảo luận về tình hình thực thi các hiệp định thanh sát hạt nhân giữa IAEA với Iran, Syria, Triều Tiên và một số vấn đề đang nổi lên, như an toàn của nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, hiệp ước đối tác an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS)...
Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, Ðại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa ba trụ cột của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó đề cao quyền sử dụng năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghĩa vụ đối với NPT.
Ðại sứ khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ vai trò của IAEA; đánh giá cao các chương trình hợp tác kỹ thuật và đề nghị IAEA tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam.
Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, Ðại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa ba trụ cột của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó đề cao quyền sử dụng năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghĩa vụ đối với NPT.
Trong khi đó, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), các đại diện 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã tham dự phiên họp lần thứ 4 của Nhóm công tác về xây dựng khuôn khổ toàn cầu về quản lý đạn dược.
Tại phiên họp, Việt Nam nhấn mạnh khuôn khổ toàn cầu về quản lý đạn dược phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Phiên họp nhằm thúc đẩy xây dựng và thông qua các cam kết chính trị về giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý đạn dược, bảo đảm an ninh, an toàn và quản lý đạn dược bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Tại phiên họp, nhiều quốc gia cho rằng, việc quản lý đạn thông thường không hiệu quả đã làm tăng nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển toàn cầu. Các nước nhấn mạnh sự cần thiết có một khuôn khổ toàn cầu để quản lý đạn dược một cách an toàn và hiệu quả.
Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa nêu quan điểm của Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung về nguy cơ từ tình trạng mua bán trái phép, chuyển giao, sử dụng sai mục đích và quản lý không hiệu quả đạn dược. Việt Nam nhấn mạnh, bất kỳ khuôn khổ toàn cầu nào về quản lý đạn dược thông thường phải phù hợp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong việc sản xuất, sở hữu, mua và chuyển giao vũ khí và đạn dược vì mục đích quốc phòng và an ninh...