Theo chị Hoàng Anh, Tây Nguyên thường có hai mùa mật, từ tháng 1 đến tháng 3 là mật hoa cà-phê, những tháng cuối năm là mật lá cao-su. Mỗi loại nguyên liệu cho ra một sản phẩm mật ong có hương vị đặc trưng.
Từ tháng 5 đến tháng 10, Gia Lai vào mùa mưa, vì vậy để dưỡng đàn, chuẩn bị cho dịp cuối năm, người nuôi ong phải di chuyển đàn xuống khu vực Trung Bộ để duy trì đàn.
Ong có đặc tính mẫn cảm với thời tiết và các chất hóa học có trong thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vậy, trước khi di chuyển đến địa điểm mới, xã viên phải khảo sát khu vực lân cận tránh trường hợp trùng vào thời điểm người dân phun thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến ong suy giảm sức khỏe và có khả năng thuốc tồn dư trong các sản phẩm mật ong.
Năm 2019, nhận thấy những hộ nuôi ong trên địa bàn đều quy mô nhỏ lẻ, chật vật về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra, chị Hoàng Anh đã liên kết với các hộ thành lập Hợp tác xã Mật ong Phương Di với 276 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực như: Chế biến lúa gạo, hạt điều; nuôi ong lấy mật...; trong đó, nghề nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP là thế mạnh của hợp tác xã.
Hiện nay, hợp tác xã liên kết nuôi và khai thác khoảng 10.000 đàn ong mật tại Gia Lai và các tỉnh lân cận với sản lượng khoảng 1.000 tấn mật ong thô/năm. Nhờ đầu tư bài bản, khoa học, ngay từ năm 2019, hợp tác xã đã có bốn sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Từ thành công bước đầu, hợp tác xã không ngừng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị để tinh chế sản phẩm từ mật ong chất lượng cao. Năm 2024, hợp tác xã bắt đầu sử dụng hệ thống máy tách thủy phân bằng công nghệ chân không.
Anh Trần Nguyên Định, kỹ thuật viên được đào tạo sử dụng hệ thống máy ngay từ những ngày đầu cho biết, mật ong thô thường không đồng nhất, cần phải xử lý qua hệ thống máy tách thủy phân ở nhiệt độ 32 độ C nhằm loại bỏ thành phần nước có trong thành phẩm, trở về trạng thái đặc quánh, khử nấm men vi sinh trong không khí, giúp mật ong để lâu mà không bị xuống chất lượng.
Với những nỗ lực duy trì đàn ong, lưu giữ nghề truyền thống, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới vào quy trình sản xuất, đầu năm 2025, sản phẩm Mật ong Phương Di Bee đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Gia Lai cũng như cả nước được công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.
“Đạt chứng nhận 5 sao cấp quốc gia là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với tập thể xã viên. Đây mới chỉ là bước đầu, chặng đường phía trước là duy trì, phát triển thương hiệu.
Được hợp tác xã giao phụ trách kỹ thuật, khâu quyết định chất lượng sản phẩm, tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, tay nghề trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, anh Trần Nguyên Định chia sẻ.
Hiện nay, nhiều sản phẩm mật ong và sản phẩm chế biến từ mật ong của hợp tác xã được tiêu thụ mạnh trên các sàn thương mại điện tử nên đầu ra ít phụ thuộc vào thương lái, giảm khâu trung gian.
Vừa qua, 5.000 sản phẩm Mật ong bánh tổ của hợp tác xã xuất khẩu sang Hàn Quốc, được đối tác nước bạn đánh giá cao về chất lượng. Chị Trần Thị Hoàng Anh cho biết, trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã để xứng tầm thương hiệu quốc gia với mục tiêu hướng đến xuất khẩu lâu dài, bền vững vào thị trường châu Âu.