Ứng dụng khoa học để sầu riêng Đắk Nông thành "niềm vui chung"
Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông có khoảng 10.309ha sầu riêng, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 41.000 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện đang dần hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao.
Các cấp, ngành chuyên môn cũng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác để nâng cao chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu.
Gia đình ông Tống Kim Quang, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) có trên 8ha đất sản xuất. Trước đây, ông Quang cũng thực hiện đa dạng các loại cây trồng, nhưng gần đây, ông dành phần lớn đất để chuyên canh cây sầu riêng.
Ông Quang cho biết: “Trước đây, trồng sầu riêng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhưng hiện nay, chúng tôi hết sức chú trọng vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây. Chất lượng sầu riêng vì thế được nâng cao rõ rệt".
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút có trên 100 cây sầu riêng năm thứ 8. Vụ sầu riêng năm nay, nhờ được chăm sóc tốt nên năng suất ước đạt trên 15 tấn. Với giá bán 85.000 đồng/kg, trừ chi phí ông có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Theo các nhà vườn trồng sầu riêng, dinh dưỡng cho cây sinh trưởng trong các giai đoạn làm bông, nuôi trái là vô cùng quan trọng. Trong đó, bà con chú trọng bổ sung dinh dưỡng cho cây như bón trực tiếp rễ, giúp bộ rễ khỏe, đi đọt nhanh, xanh cây, dày lá và tăng cường quang hợp cũng như sức khỏe của vườn cây.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang mang lại nhiều hiệu quả.
Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ người dân ứng dụng rộng rãi các biện pháp sản xuất như: sản xuất theo tiêu chí GAP; đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel; sử dụng các chế phẩm, phân bón vi sinh trong canh tác; áp dụng biện pháp phủ bạt nylon kết hợp xử lý rải...
Từ 2022 đến nay, trung tâm đã triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên.
Dự án triển khai với các loại mô hình khác nhau. Trong đó, mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP có tổng quy mô 20ha, với 20 hộ nông dân tham gia tại xã Đắk Wer và Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp.
Sau hai năm triển khai, vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Các hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, năng suất trung bình đạt 12,75 tấn/ha. Lợi nhuận của mô hình đạt 680 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường 15,8%.
Sản phẩm được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận VietGAP. Trung tâm phối hợp với Tổ hợp tác Thiên Phú, xã Nhân Cơ hoàn thành hồ sơ mã vùng trồng xuất khẩu VN-DNOOR-0026 cho mô hình.
“Sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP, hữu cơ… là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm nông sản đứng vững trên thị trường. Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã có những hướng dẫn, khuyến cáo cho người dân trên địa bàn sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cho sản phẩm sầu riêng”, ông Chương cho biết.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 258ha sầu riêng đạt các tiêu chuẩn, với tổng sản lượng đạt 1.708 tấn. Trong đó, diện tích sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP là 238,3ha chiếm 92,3% với sản lượng 1.570 tấn, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 20ha sản lượng đạt 138 tấn.