Ứng dụng công nghệ để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 11/11/2021 08:55

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao là xu hướng tất yếu, giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mục tiêu chính mà tỉnh đề ra trong giai đoạn mới.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) bền vững theo chuỗi giá trị” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế.

Nghị quyết cũng đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại, duy trì được vai trò trụ cột trong nền kinh tế ở những giai đoạn tiếp theo.

Thực tế, phát triển NNCNC không phải là nội dung mới được đưa vào nghị quyết đại hội lần này mà sự tiếp nối của kỳ đại hội trước. Mục tiêu này là để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển NNCNC giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung vào thực hiện 2 đề án lớn đã được thông qua trước đó. Cụ thể là Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, định hướng đến 2035.

Vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, để hiện thực mục tiêu trên, đơn vị đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, các kết luận của Tỉnh ủy liên quan đến phát triển NNCNC. Đơn vị đã kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết 04. Từ đó, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển NNCNC.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, toàn ngành xác định, phát triển NNCNC luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, đơn vị đã chỉ đạo toàn ngành xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đến nay, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển NNCNC như: hạ tầng, tưới nước tiết kiệm, sản xuất đạt chuẩn trong nước và quốc tế... Nhờ đó, đã đạt được một số kết quả nổi bật trong phát triển NNCNC. Nổi bật nhất là nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác lên tới 85,25 triệu đồng, vượt 5,25 triệu đồng/ha so với mục tiêu Nghị quyết 04. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt như: giống, kỹ thuật canh tác, hạ tầng, chế biến, bảo quản sản phẩm... Điều này đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng về phát triển NNCNC. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển NNCNC một cách đồng bộ, hiệu quả.

Việc xây dựng các vùng NNCNC sẽ được tỉnh chú trọng để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế... Công tác thông tin, tuyên truyền để người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ được quan tâm trú trọng nhiều hơn.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã công nhận được các vùng sản xuất NNCNC gồm: vùng trồng hồ tiêu xã Thuận Hà, vùng trồng hồ tiêu xã Thuận Hạnh (Đắk Song); vùng trồng lúa Buôn Choáh (Krông Nô); vùng trồng cà phê Thuận An (Đắk Mil).

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/ung-dung-cong-nghe-de-nang-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-90078.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/ung-dung-cong-nghe-de-nang-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-90078.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ứng dụng công nghệ để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO