Ngày 17/7, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước việc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không đạt được đột phá trong tái cơ cấu nợ cho các nước dễ bị tổn thương.
Trả lời phỏng vấn, ông Steiner nhận định cho đến nay, các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã không thể thúc đẩy tạo đột phá trong vấn đề nợ và tái cơ cấu nợ.
Theo ông, đây thực sự là điều đáng lo ngại.
UNDP đã hối thúc các bộ trưởng tài chính toàn cầu cho phép các nước nghèo giãn nợ, khi ước tính đại dịch COVID-19, lạm phát và chi phí vay nợ leo thang đã đẩy thêm 165 triệu người vào đói nghèo.
Điều này đồng nghĩa rằng hơn 20% dân số thế giới (tương đương 1,65 tỷ người), đang sống dưới mức hơn 3,65 USD/ngày và gặp khó khăn trong việc đảm bảo lương thực hằng ngày.
Do đó, ông Steiner cho rằng G20 nên nhanh chóng cải tiến Cơ chế chung hoặc điều chỉnh các cơ chế khác. Cơ chế chung là nền tảng do G20 thiết lập trong đại dịch COVID-19 nhằm đẩy nhanh việc giải quyết nợ và đơn giản hóa tiến trình giúp các nước đang gặp khó khăn phục hồi.
Theo ông, mặc dù có một số nhân tố của hoạt động tài chính quốc tế đang tập trung vào việc tăng hỗ trợ tài chính, song đến tháng Bảy vừa qua, vấn đề tái cơ cấu nợ vẫn không tiến triển ở tiến độ cần thiết.
Các cuộc thảo luận về tái cơ cấu nợ trong cuộc họp tài chính lần thứ ba của G20 tại Ấn Độ đã đạt được rất ít tiến triển, do các thành viên đã không thể vượt qua bất đồng trong khi các vấn đề trong nước đã khiến số lượng thành viên tham dự giảm.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của G20 đã bắt đầu họp thảo luận tại Ấn Độ về các thỏa thuận tái cơ cấu nợ cũng như các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí tạm thời nâng mức cho vay để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương./.