Theo Báo cáo dữ liệu toàn cầu về các Nhà lãnh đạo chính trị nữ năm 2024 của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), 113 quốc gia trên thế giới đến nay chưa từng có nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ là nữ và hiện chỉ 26 quốc gia có lãnh đạo là nữ.
Báo cáo trên được công bố nhân dịp thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao (24/6), ghi nhận và tôn vinh nỗ lực của phụ nữ phá bỏ rào cản cũng như tạo ra sự khác biệt trong ngành ngoại giao.
Theo báo cáo, tính đến ngày 1/1/2024, chỉ có 23% các vị trí bộ trưởng trên thế giới do phụ nữ nắm giữ. Tại 141 quốc gia, chưa đến 1/3 số bộ trưởng trong nội các là nữ. 7 quốc gia thậm chí không có đại diện là nữ trong nội các.
Vị thế lấn át của nam giới trong ngoại giao và đối ngoại còn mở rộng đến các cơ quan đại diện thường trực tại Liên hợp quốc, nơi phụ nữ vẫn ít đảm nhận vai trò đại diện thường trực.
Tính đến tháng 5/2024, phụ nữ nắm giữ 25% vị trí đại diện thường trực ở New York (Mỹ), 35% ở Geneva (Thụy Sĩ) và 33,5% ở Vienna (Áo).
Trong một thông cáo báo chí, UN Women nêu rõ bất chấp các tiến bộ, phụ nữ phần lớn vẫn bị loại khỏi các vị trí quyền lực và ngoại giao, trong khi các vị trí có mức độ ảnh hưởng và quyền ra quyết định cao nhất chủ yếu do nam giới nắm giữ.
Giám đốc Điều hành UN Women, Sima Bahous nhấn mạnh: "Công việc của chúng tôi được dẫn dắt bởi niềm tin rằng khi phụ nữ lãnh đạo, thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người và cho hành tinh."
Theo bà Sima Bahous, trong bối cảnh nhiều quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay, cần phải xác định rằng sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong quản trị và lãnh đạo là "chìa khóa" để cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người.
Việc bầu và bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ về bình đẳng giới cũng như cam kết tập thể nhằm giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Thông cáo báo chí của UN Women nêu rõ hướng tới kỷ niệm 30 năm kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua (1995-2025), cơ quan này tiếp tục nỗ lực để đảm bảo phụ nữ dẫn đầu và phát triển trong việc định hình cũng như thúc đẩy những thay đổi tích cực, bao gồm cả việc nắm giữ các vị trí quyền lực cao nhất.
Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995. Đây được xem là một kế hoạch chi tiết tiến bộ nhất thế giới nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ./.