Hình thành văn hóa đọc
Vừa qua, tại Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc của bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, Thư viện tỉnh Đắk Nông đã tặng trên 500 cuốn sách thuộc các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, pháp luật, sách thiếu nhi… để phục vụ nhu cầu đọc của người dân địa phương. Hơn nữa, để thuận tiện cho người dân tiếp cận sách, báo, tài liệu, Thư viện tỉnh Đắk Nông còn chủ động bố trí tủ đựng sách đặt tại Nhà Văn hóa cộng đồng bon và phối hợp với Ban tự quản bon mở cửa phục vụ bạn đọc vào các tối thứ 3, 5, 7 và sáng chủ nhật hàng tuần. Ban tự quản bon Bu Kol động viên các đoàn thể, tích cực khuyến khích hội viên đọc sách, tìm tòi những cách làm kinh tế hiệu quả và tiếp cận với những tiến bộ khoa học... giúp người dân nâng cao nhận thức, hình thành thói quen đọc sách, nhất là trẻ em trong khu vực.
Chị H’Huýt ở bon Bu Kol chia sẻ: “Các sách được bày tại thư viện rất bổ ích, thiết thực với đời sống sản xuất của người dân chúng tôi. Thấy người lớn đọc sách, trẻ em cũng đọc theo, mọi người cùng lan tỏa tinh thần văn hóa đọc. Thông qua sách báo, người dân chúng tôi cũng hiểu biết rộng hơn, nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hơn”.
Người dân bon Bu Kol hưởng ứng phong trào đọc sách tại Nhà Văn hóa cộng đồng bon |
Không riêng bon Bu Kol, với phương châm đưa sách đi tìm người đọc, chỉ tính riêng năm 2022, Thư viện tỉnh Đắk Nông đã bố trí thư viện lưu động tại 17 trường học trên địa bàn các huyện Krông Nô, Đắk R’lấp, TP. Gia Nghĩa. Ngoài ra, đơn vị cũng đã luân chuyển gần 4.000 bản sách phục vụ 12 đồn biên phòng, 1 tiểu đoàn huấn luyện cơ động, 37 điểm Bưu điện văn hóa xã và trại giam Đắk P’lao. Thông qua hoạt động này, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao nhận thức cho người dân. Khi những thư viện lưu động xuất hiện, chương trình đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương.
Mang tri thức về với vùng sâu
Ông Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) thông tin, hiện nay trong bon vẫn còn nhiều hộ gia đình khó khăn, chưa có đủ điều kiện để mua sắm tivi hoặc các trang thiết bị điện tử hiện đại. Chính vì thế, tủ sách báo được đặt tại UBND xã đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều khi đến UBND xã làm thủ tục, giấy tờ, trong lúc chờ giải quyết, người dân tranh thủ đọc sách báo, tài liệu nên cũng biết được nhiều điều hay. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đầu sách vẫn còn hạn chế, chưa có sự đổi mới, cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đọc của người dân.
“Những tủ sách như thế cần được nhân rộng, đặt tại các nhà văn hóa thôn bon để tạo điều kiện hơn cho người dân tiếp cận với sách, với tri thức nhiều hơn. Nếu được tăng cường các sách, báo, tài liệu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, hoặc truyện tranh cho trẻ em, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người dân đến tìm đọc” ông Bùi Minh Hải cho hay.
Người dân thích thú với sách, báo và tài liệu về kỹ thuật sản xuất |
Ông Nguyễn Đắc Linh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Đắk Nông cho biết, theo thống kê từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh Đắk Nông phục vụ hơn 11.000 lượt bạn đọc. Trước sự phát triển của mạng xã hội, các phương tiện nghe nhìn, Thư viện tỉnh Đắk Nông cố gắng mang tri thức về với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay kinh phí thực hiện chương trình thư viện sách eo hẹp, việc bổ sung sách, báo hằng năm và tổ chức các hoạt động để nâng cao văn hóa đọc hầu như không có. Đây là những rào cản lớn trong việc đưa sách về thôn, buôn, bon vẫn còn nhiều khó khăn.
“Đội ngũ cán bộ, nhân viên của chúng tôi đủ về số lượng và rất nhiệt tình trong việc đưa sách, báo về phục vụ bà con. Nếu có cơ chế hỗ trợ về tài chính để thực hiện chương trình thư viện sách, tôi tin rằng chỉ khoảng 5 năm nữa, dân trí của người dân sẽ có chuyển biến rõ rệt”, ông Linh nêu quan điểm.